MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách bố trí gần 240.000 tỷ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo

Sáng ngày 12/11, Quốc hội đã đồng ý dành 239.316,6 tỷ đồng để thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Với mục tiêu đến năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 50%, còn không xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong khi đó, mục tiêu giảm nghèo bền vững là góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước, từ năm 2016 đến năm 2020. Riêng với chương trình giảm nghèo sẽ tập trung các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã đặc biệt khó khăn.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 63.155,6 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 46.161 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương: 41.449 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 4.712 tỷ đồng.

Trong quá trình điều hành, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện.

Đồng thời giao Chính phủ tiếp tục rà soát 21 chương trình mục tiêu của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu trùng lặp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nguyên tắc phân bổ vốn là ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo.

Tập trung đầu tư cho các xã mới đạt dưới 5 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cấp trung ương do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên