MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách èo uột, Bộ KH&ĐT muốn phát hành thêm 285.000 tỷ đồng TPCP

Chỉ gần hai tháng trước, khi Bộ Tài chính khẳng định chưa có kế hoạch tăng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) thì nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ phải phát hành thêm 285.000 tỷ đồng TPCP.

Với lý do bổ sung vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư PPP. Trong khi đó, tính đến hết tháng 8/2013, thu ngân sách ước đạt 485.000 tỷ đồng, chỉ vỏn vẹn 59.4% dự toán ngân sách năm, và ước tính bội chi của năm 2014 sẽ tăng lên 255.000 tỷ đồng.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ dự kiến phải phát hành thêm 285.000 TPCP ngoài kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 2014-2016. Theo Bộ này, để đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, vốn đối ứng cho các dự án PPP thì số tiền phát hành trái phiếu có thể lên đến 500.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ dự tính giai đoạn 2014-2016 có thể phát hành thêm 360.000 tỷ đồng TPCP (gồm 285.000 tỷ đề xuất thêm và 75.000 tỷ đã có trong kế hoạch phát hành trước đó) song lại lưu ý rằng số vốn này chỉ đáp ứng già nửa nhu cầu vốn TPCP của các bộ ngành, địa phương.

Điều này có nghĩa là người dân sẽ phải chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với việc gia tăng phát hành TPCP hơn nữa trong tương lai gần, chứ không chỉ lần này nếu đề xuất trên được thông qua, và càng phải lên dây tinh thần để trả nợ sau đó.

Đầu tư công có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, như giải quyết công ăn việc làm thời vụ, tiêu thụ một chút vật liệu xây dựng đang ế chỏng ế chơ... Nhưng hiệu quả về dài hạn gần như là không có gì, nếu vẫn còn tồn tại những công trình tiền tỷ chỉ dành thả bò, nuôi gà. Khi ấy, sự xuất hiện của TPCP chỉ như đang “bôi trơn” cho sự lãng phí.

Đồng thời, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, “khi Chính phủ tạo ra một kênh thanh khoản an toàn với lãi suất khá cao cho ngân hàng thương mại thì họ không có nhiều động cơ hay chịu sự thúc ép phải cho vay khu vực tư nhân (dân cư, doanh nghiệp). Như vậy nợ công (trái phiếu do Chính phủ phát hành) đang chèn lấn nợ của khu vực tư nhân”.

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên