MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách: Giữa nhu cầu và cái chúng ta có là một khoảng cách rất xa

Theo bộ trưởng Nên, nếu chỉ tính các khoản thu chi ngân sách cho các việc trước mắt theo đúng lộ trình thì “vẫn được” nhưng như vậy, về dài hạn, đất nước sẽ không có nguồn lực để phát triển.

“Chúng tôi có nghe về sự băn khoăn lo lắng của nhân dân và công luận về nợ Chính Phủ nhưng việc phát hành trái phiếu là việc cần thiết, chúng ta chấp nhận để đầu tư vào những Dự án lớn mà chúng ta không đủ lực.”

Bộ trưởng phụ trách văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2014.

Bộ trưởng ví von, hiện nay nếu nói nôm na như trong một gia đình thì giữa nhu cầu và cái chúng ta có là một khoảng cách rất xa. Theo bộ trưởng Nên, nếu chỉ tính các khoản thu chi ngân sách cho các việc trước mắt theo đúng lộ trình thì “vẫn được” nhưng như vậy, về dài hạn, đất nước sẽ không có nguồn lực để phát triển.

“Vì vậy tính về dài hạn phải có nguồn vốn cần thiết để đầu tư, mà một trong những nội dung quan trọng là đầu tư kết cấu hạ tầng, nặng nhất là đầu tư đường giao thông.” – Bộ trưởng nói

Theo đó, hàng năm Chính phủ đều phải tính toán sao cho sau khi cân đối phải có nguồn để đầu tư phát triển. Chính phủ phát hành trái phiếu cũng chỉ sử dụng nguồn vốn này vào đầu tư cơ sở hạ tầng chứ không được phép sử dụng vào việc khác. Việc tính toán thu chi ngân sách trong dài hạn là điều cần thiết của một quốc gia.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc các khoản chi thường xuyên chiếm 70% cơ cấu chi có phải do kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, ông Nguyễn Văn Nên trả lời:

“Hiện nay đất nước ta đang đứng trước khó khăn thử thách, nhiều năm tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng chúng ta không giảm khoản chi nào cho con người, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.”

Chính vì vậy, tốc độ tăng các khoản chi chung và chi thường xuyên đã tăng và ở mức cao. Trước tình hình đó, Chính phủ đã bàn và thấy cần có giải pháp cân đối lại. Tuy nhiên, có những nhu cầu không thể giảm mà còn phải tăng, nhất là chi cho con người, ví dụ như lương tăng suốt thời gian qua. Còn lại một phần chi cho đầu tư phát triển thì khoản này đã giảm.

Bộ trưởng cũng nói, trong lúc kinh tế khó khăn, Chính phủ đã giảm một số nguồn thu, giảm, giãn để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn, điều đó cũng làm cho thu ngân sách bị ảnh hưởng.

“Lần này Chính phủ bàn và đặt ra việc cân đối lại bằng cách tiết kiệm, tính cho hợp lý, kiểm soát cho được, làm sao để thu chi ngân sách hợp lý đảm bảo quá trình lâu dài. Trong đó có tính toán các giải pháp về lương tới đây.” - Bộ trưởng kết luận.

>>> Ngân sách Nhà nước “eo hẹp” đến mức nào?

Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên