MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách khó khăn, sân bay Long Thành trăn trở với bài toán “tiền đâu”

Báo cáo liên quan đến dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách. Tuy nhiên, tình hình ngân sách đang hết sức căng thẳng, nên bài toán khó đặt ra là “tiền đâu”?

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những chiến lược quan trọng nhất của ngành hàng không Việt Nam nhằm giảm tải cho cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, nên khung chính sách cần có những đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân.

Trăn trở với bài toán “tiền đâu”

Chia sẻ tại hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân” được tổ chức sáng nay (30/10), TS Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, nhu cầu đi lại hiện nay đang rất cấp bách.

Liên quan đến khuôn khổ pháp lý của dự án, TS Phước băn khoăn, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, đặc thù của dự án cảng sân bay Long Thành này có xung đột gì hay không?

“Nếu một Nghị định của Chính phủ không bao quát được các vấn đề trong việc xây dựng sân bay Long Thành, cần có 1 văn bản cao hơn cấp Quốc hội. Do đó, đặc thù phải nằm trong hành lang pháp lý tương thích với nó” – TS Phước cho biết.

Trước đó, báo cáo liên quan đến dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách. Tuy nhiên, tình hình ngân sách đang hết sức căng thẳng, nên bài toán khó đặt ra là “tiền đâu”?

“Nếu ngân sách không đáp ứng được dòng tiền mà dự án yêu cầu thì phải nghĩ tới một cách huy động vốn khác. Chẳng hạn nhà nước và nhân dân cùng làm, phát hành một loại trái phiếu, mà 5 nghìn hộ dân ở Đồng Nai sẽ mua những trái phiếu đó” - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẻ.

Dự án đã thực sự cấp bách và cần thiết?

Cũng tại hội thảo, trả lời câu hỏi về việc dự án này đã thực sự cấp bách và cần thiết hay chưa, TS Lương Hoài Nam – Chuyên gia lĩnh vực hàng không cho biết, với quy mô 17 triệu khách/năm như hiện nay và lượng hành khách năm nay 26 triệu thì lấy mức tăng trưởng 10%, đến năm 2025 nhu cầu tự nhiên sẽ là 67,4 triệu khách/năm và đến năm 2018 cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ đóng băng không tăng trưởng nữa.

“Trong khi Tân Sơn Nhất là cảng hàng không trọng điểm của quốc gia thì đây quả là điều cực kỳ đáng lo ngại, chắc chắn cần có giải pháp” – Ông Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, cảng Hàng không Tân Sơn Nhất sẽ phải đóng băng ở mức 35 triệu khách/năm là điều cực kỳ đáng buồn, đặc biệt khi thị trường hàng không đang ở mức tăng trưởng nóng.

“Hiện nay chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển ổn định nhưng vẫn nóng, tăng trưởng 22%. Thị trường chúng ta đứng trong top 10 tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng vẫn đứng thứ 5 trong ASEAN” – ông Thanh cho biết.

Tuy nhiên, ông Nam khẳng định mức tăng trưởng 15% hiện nay là không nóng và ở mức bình thường. Trung Quốc từng có giai đoạn kéo dài 10 năm với mức tăng trưởng hàng không trên dưới 30%/năm liên tục. Họ đã đưa 3 hãng hàng không Trung Quốc trở thành hãng hàng không trong top đầu Châu Á.

Ông Thanh cho rằng, vấn đề cấp thiết của tiến độ triển khai dự án liên quan đến hoạt động ngành hàng không Việt Nam là vấn đề giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội luôn - yếu tố quyết định đảm bảo sự thành công của dự án trong cả quá trình thực hiện.

“Long Thành là một trong những chiến lược quan trọng nhất của ngành hàng không Việt Nam, mục tiêu phục vụ 100 triệu hành khách/năm, giảm tải cho cảng Hàng không Tân Sơn Nhất” - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.

Hoàng Long

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên