MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thực phẩm và đồ uống đón làn sóng “ngoại”

Theo khảo sát về xu hướng đầu tư tư nhân ở Việt Nam (VN) vừa được Hãng Kiểm toán và tư vấn Grant Thornton thực hiện và công bố, vốn “ngoại” sẽ đổ mạnh vào ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống.

Mới đây, mạng lưới doanh nghiệp (DN) Châu Âu - VN và Phòng Thương mại Châu Âu tại VN (EuroCham) vừa phối hợp tổ chức Đối thoại VN - EU: “Gia nhập thị trường VN cho các công ty Châu Âu trong ngành thực phẩm và đồ uống” để đón đầu những cơ hội sắp tới.

An toàn là yếu tố quyết định

Trong cuộc khảo sát này, ngành bán lẻ và thực phẩm & đồ uống (F&B) đang được xem là hai ngành hấp dẫn nhất của đầu tư tư nhân, với tỉ lệ chọn lần lượt bởi 51% và 41%. Bởi lẽ, VN đang được xem là một trong những thị trường tiêu dùng triển vọng nhất Châu Á, nhờ vào lợi thế dân số đông, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và sự gia tăng của quá trình đô thị hóa.

Theo ông Miguel Charneco Garrido - thành viên Ban Quản trị EuroCham: “Năm 2015, các sản phẩm cà phê, thủy sản và hải sản chiếm tới 11% tổng số lượng xuất khẩu từ VN sang Châu Âu. Trong khi đó, riêng mặt hàng sữa, Châu Âu đã xuất khẩu 2% sang VN. Hiện nay, tầng lớp trung lưu ở VN đang tăng lên, mức thu nhập cũng được cải thiện nên cơ hội cho các DN EU trong lĩnh vực này mở ra ngày càng nhiều”.

Tuy nhiên, theo bà Marieke van Der Pijl (Tiểu ban Kinh doanh nông nghiệp và An toàn thực phẩm của EuroCham), VN được xếp thứ hạng cao đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy-hải sản, thực phẩm như hạt tiêu đen, chè, cá… ra thế giới, trong đó có cả thị trường EU. Tuy nhiên, sản phẩm VN trên thế giới vẫn chưa được đánh giá cao về chất lượng bởi phần lớn là xuất mặt hàng thô, chưa được tinh chế sâu và chỉ cạnh tranh về giá.

“Chính vì lý do này, thị trường VN vẫn bị EU nhìn nhận kém về chất lượng, giá trị gia tăng thấp. Chưa kể, vấn đề ATVSTP ở VN hiện nay rất nhức nhối với tình trạng sử dụng chất phụ gia, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất tẩy trắng… tràn lan. Đây là những rào cản trực tiếp ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu của VN trong thời gian tới” - bà Marieke khẳng định.

Áp dụng lộ trình dãn thuế

Tại buổi đối thoại, các DN EU đều công nhận VN là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu mặt hàng thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, các DN này cũng hy vọng sẽ được tạo điều kiện hơn nữa để gia nhập thị trường, đặc biệt là hệ thống thuế phí. Bởi theo một số DN, thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống vẫn đang cao mặc dù đang được áp dụng thuế ưu đãi, dao động trong khoảng từ 20-40%.

Ông AuriMas Zaleckas - chuyên gia xuất khẩu Cty Greater China & Asia Pacific, MV Group - bày tỏ: “Thị trường VN nên áp dụng mức thuế thấp hơn không chỉ đối với đồ uống có cồn, mà còn cả với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống nhập khẩu từ các nước bên ngoài VN”.

Về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết, bắt đầu từ năm 2016, Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định thương mại tự do giữa VN-EU và các thị trường khác cũng dần có hiệu lực. Theo các cam kết của VN khi tham gia đối với thuế xuất nhập khẩu (XNK), nhóm thực phẩm và đồ uống cũng nằm trong danh mục biểu thuế XNK ưu đãi.

Theo đó, tầm trung của biểu thuế này là các mặt hàng bằng mức trần cam kết của WTO là từ 10-40%. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng thiết yếu VN chưa sản xuất được, không phải là thế mạnh của VN hoặc là nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất thì sẽ được áp dụng mức thuế thấp hơn so với cam kết WTO.

Theo Khánh Linh

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên