MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết 92: Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp “không khói”

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour) cho biết Nghị quyết 92 thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, và là Nghị quyết hết sức quan trọng đối với ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết Nghị quyết 92 là kim chỉ nam hành động, gợi mở cho các ngành liên quan có chiến lược, giải pháp cho ngành của mình. Chính phủ đã có chủ trương, định hướng, việc còn lại là các ngành, các địa phương, đơn vị phải vận động.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, Lữ hành  sẽ không thể xoay sở được nhiều nếu không có sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan. Theo ông DN cần gì từ các bộ, ngành?

Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Phải thừa nhận là chỉ ngành Du lịch cố gắng thôi thì chưa đủ, phải có sự kết hợp đồng bộ từ các ngành khác. Liên quan đến xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Ngoại giao, hay cơ quan quản lý xuất nhập cảnh phải vào cuộc triển khai giải pháp hỗ trợ cho ngành du lịch, như lệ phí xuất nhập cảnh cho du khách nên thu ít lại, thủ tục cũng cần đơn giản, tiết kiệm thời gian hơn.

Cũng liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh, tại một số thị trường du lịch tiềm năng không ảnh hưởng đến chính trị thì chúng ta nên mở cửa, không nên quá khắt khe khâu thủ tục làm mất thời gian của khách quốc tế.

Đối với đường hàng không, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần hỗ trợ xúc tiến và duy trì đường bay, sau khi thị trường tốt lên thì thu tiền cũng chưa muộn.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT không thể đứng ngoài mà cần có chiến lược đào tạo ngoại ngữ bài bản hơn để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Du lịch; tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho hướng dẫn viên, bếp, nhà hàng, pha chế… nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Tổng cục Du lịch cần mở thêm các lớp đào tạo tiếng Nga dành cho ngành du lịch tại một số địa phương. Đồng thời, gửi sinh viên sang thực tập tại các khách sạn, resost ở các nước khác để trau dồi ngoại ngữ và kinh nghiệm, chuẩn bị ngày hội nhập cộng đồng ASEAN sắp tới.

Các cơ quan ngoại giao nên nghiên cứu, tăng cường quảng bá thêm hình ảnh Việt Nam ra với thế giới.

Xin ông cho biết những khó khăn và những giải pháp vượt khó của DN trong năm vừa qua?

Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Du khách nước ngoài thường phản ánh với chúng tôi nhất đó là thủ tục xuất khẩp cảnh tại Việt Nam vừa khó khăn, vừa chi phí cao. Thứ 2 là khách du lịch vào Việt Nam thông tin quá ít, có nghĩa là công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa thực sự đến nơi, đến chốn, chưa đúng đối tượng. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí để quảng bá trển các kênh truyền hình lớn của thế giới vì chi phí rất cao.

Khó khăn nữa là hiện vẫn có ít đường bay quốc tế đến Việt Nam, trong khi đó chi phí hạ cánh ở Việt Nam quá cao nên các hãng hàng không nước ngoài e ngại (ví dụ, giá hạ cánh 1 lần xuống sân bay Đà Nẵng vào khoảng 2.000-3.000 USD, trong khi tại Thái Lan và Singapore chỉ 500 USD). Một vấn đề khác là trình độ ngoại ngữ của người phục vụ du lịch cũng như cộng đồng người Việt Nam còn hạn chế.

Đối với khách trong nước, khó khăn nhất là giá vé máy bay cao hơn so với các nước khác. Ví dụ khách từ Sài Gòn, Hà Nội về Đà Nẵng đi tour miền Trung 5 ngày 4 đêm chất lượng 3 sao thì giá khoảng 3,5 triệu đồng, trong khi giá vé máy bay đã hơn 4 triệu đồng rồi. Nói như thế để thấy rằng giá vé nội địa còn quá cao nên cũng ảnh hưởng đến phát triển du lịch nội địa…

Trước những khó khăn đó, DN đã có giải pháp khắc phục ngay, thay thế thị trường ưu tiên, chủ động xây dựng chiến lược phát triển trong thời kỳ mới. Chúng tôi chuyển hướng mạnh sang thị trường nội địa bằng cách tung ra hàng loạt sản phẩm mới kích cầu. Đồng thời, thay đổi thị trường khách quốc tế, Trung Quốc thì chuyển sang cộng đồng tiếng Hoa, chứ không nhất thiết phải khách Trung Quốc lục địa; tăng cường khai thác các thị trường lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia…

Mặc dù vậy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ VHTT&DL, ngành Du lịch đã đạt nhiều kết quả khả quan. DN du lịch cũng được hưởng lợi từ các chính sách đó, được tham gia xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng quốc tế. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này chưa đủ mạnh, còn nhiều DN chưa được hưởng lợi.

Theo ông cơ hội và thách thức của ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2015 là gì?

Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Năm 2015 có cả thời cơ và thách thức. Trong bối cảnh bất ổn về chính trị, tôn giáo, dịch bệnh, khủng bố trên thế giới thì Việt Nam lại nổi lên là điểm đến thân thiện, an toàn nên đây là cơ hội khách tập trung về Việt Nam.

Bên cạnh đó, 2015 là năm có nhiều sự kiện lớn của quốc gia, cũng là năm thành lập cộng đồng ASEAN, đây là thời cơ để các DN lữ hành kéo khách về Việt Nam.

Đặc biệt là với Nghị quyết 92 Chính phủ vừa ban hành, chúng tôi hy vọng những khó khăn, vướng mắc đang cản trở sự phát triển “ngành công nghiệp không khói” sẽ được tháo gỡ.

>>>Kích cầu du lịch: Mục tiêu thay đổi quan niệm của du khách nội địa

Theo Phong Hương

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên