MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH): Đừng đổ lỗi cho tuổi hưu!

"Gốc rễ là phải xử lý kiên quyết người sử dụng lao động không hỗ trợ NLĐ đóng BHXH chứ không liên quan đến độ tuổi."

Sáng 29.5, QH thảo luận tại tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tiếp tục nóng với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu trước nguy cơ vỡ quỹ BHXH làm “nóng” phiên thảo luận. Lo ngại vỡ quỹ BHXH là cái cớ rất vô lý để tăng tuổi hưu, nhiều ĐB đề nghị bổ sung chế tài rõ ràng, mạnh mẽ trong thanh tra, quản lý việc sử dụng quỹ BHXH.

Thiếu cơ sở khi gán việc tuổi hưu thấp sẽ làm vỡ quỹ

Tán thành việc không tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nói: Dự luật đã thiếu cơ sở khi gán việc bình quân tuổi nghỉ hưu thấp gây ảnh hưởng đến quỹ BHXH. BHXH được đóng trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít chứ không liên quan gì đến tuổi lao động. Nhiều người coi việc nghỉ hưu ngắn hay dài tạo áp lực cho quỹ BHXH, điều này là hoàn toàn sai. Khối lao động trong các DN tư nhân có thực hiện được việc đóng BHXH cho NLĐ đâu!”.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) thì “Vỡ quỹ hay không là do quản lý chứ không phải do người đóng, không phải lo người hưởng nhiều là vỡ quỹ. Cách tính này là không đúng, khi mà chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm là quá lớn. Lý do vỡ quỹ để sửa luật là không phù hợp, việc nâng tuổi cũng không phù hợp”.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu rõ: Gốc rễ là phải xử lý kiên quyết người sử dụng lao động không hỗ trợ NLĐ đóng BHXH chứ không liên quan đến độ tuổi.

Ông đánh giá cao quan điểm của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng khi không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu cho NLĐ, có phương án cụ thể để “cứu” quỹ BHXH, tránh tình trạng thất thu, tồn hay nợ đọng của quỹ.

Đừng biến cán bộ BHXH thành cán bộ... đòi nợ!

Để giải quyết bài toán quỹ BHXH, các ĐB đề xuất nên quy định rõ hơn việc quản lý và thanh tra quỹ. “Vì chi tiêu quản lý quỹ không tốt nên vừa thất thu quỹ, vừa không đảm bảo tối ưu trong quản lý chi tiêu. Bản thân quỹ nuôi bộ máy ngành BHXH lớn quá thì vai trò của nó đối với xã hội bé đi là điều đương nhiên!” - ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), nêu tình trạng trốn, nợ đọng còn diễn ra phổ biến ở các tỉnh, thành phố. Quỹ BHXH bị lạm dụng để trục lợi, 50% số DN hiện nay đang trốn, chậm nộp BHXH... Ông Cương cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này có chế tài mạnh mẽ hơn với hành vi buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật liên quan đến quỹ BHXH. Cụ thể, trong thanh tra quỹ BHXH, dự luật không nên tách bạch chức năng thanh tra chính sách của Bộ LĐTBXH và thanh tra tài chính của Bộ Tài chính.

Quy định Bộ LĐTBXH chỉ thanh tra thực hiện chính sách là không đủ, khi thanh tra chính sách có liên quan mật thiết đến tài chính. Để tránh chồng chéo, ông Cương đề xuất giao hoàn toàn chức năng thanh tra cho Bộ LĐTBXH chủ trì, trong quá trình đó có các ngành phối hợp. Ông Cương chia sẻ trước thực trạng cán bộ BHXH thành cán bộ đòi nợ.

Theo D.Hà

thunm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên