Đến thời hạn cung cấp dịch vụ 3G nhưng có nhà mạng vẫn im
hơi lặng tiếng. Thậm chí các “đại gia” giành được quyền tiên phong khai phá
mảng thị trường này cũng không giấu giếm nỗi lo lắng, mệt mỏi trước con đường
3G còn dài và không ít hiểm nguy.
Qua thời gian khá dài “vượt khó” thử nghiệm công nghệ 3G
trong nội mạng, ngày 9/6, EVN Telecom
đơn phương tuyên bố tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường. Tuy nhiên, mức
độ phủ sóng của mạng này mới chỉ dừng lại ở 5 tỉnh, thành phố lớn.
Tuy vậy, ngay trong năm đầu tiên trong chặng đua 3G nhà mạng
này dự toán phải đầu tư khoảng 200 triệu USD cho vấn đề cơ sơ hạ tầng. Theo đó,
quá trình đầu tư sẽ kéo dài khoảng 5 năm.
Trước mắt, nhà mạng này đặt mục tiêu lắp đặt 5.000 trạm thu
phát 3G bao phủ toàn quốc. Cái khó là các thủ tục lắp đặt trạm cực rắc rối bởi
để có được một giấy phép nhà mạng phải chờ đợi đến 3 - 4 tháng.
Trong khi đó, tới thời điểm này, đối tác cùng trúng tuyển 3G
với EVN Telecom là Hanoi Telecom vẫn im hơi lặng tiếng. Không có bất cứ động
thái nào cho thấy sẽ tham gia thị trường 3G, dù thời điểm cam kết đã đến rất
sát.
Hết tháng 6 này, nếu Hanoi Telecom không triển khai 3G sẽ
phải đối mặt với mức phạt căn cứ theo những điều khoản trong cam kết với Bộ
Thông tin & Truyền thông (TT&TT).
Theo nhận định của các chuyên gia, sự im lặng của Hanoi
Telecom có thể xuất phát từ những thực tế nảy sinh trong quá trình đi trước của
các “đại gia” viễn thông. Trên thực tế, sau một thời gian triển khai 3G cả
Vinaphone, Mobifone và Viettel đều thừa nhận, lượng phát triển thuê bao 3G vẫn
chưa đạt đến ngưỡng như đã dự tính.
Ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện,
Bộ TT&TT), đưa ra cảnh báo, hiện người dùng trong nước chủ yếu sử dụng 3G
để truy cập Internet, trong khi đó các dịch vụ gia tăng - nguồn thu lớn của 3G
- hiện vẫn thể khai thác hiệu quả.
Điều này cũng đồng nghĩa với kết quả nguồn thu về của DN
viễn thông mới dừng ở mức rất khiêm tốn. Trong khi đó, tổng số tiền mà các mạng
đã cam kết đầu tư trong ba năm đầu là 33,8 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng
gần 2 tỷ USD).
Hanoi Telecom chắc hẳn không khó để nhận ra sự thật, với
cuộc chơi 3G, bước chân vào thì dễ, nhưng rút ra sẽ vô cùng khó. Vì thế, việc
tính toán thời điểm, chiến lược kinh doanh đối với mỗi doanh nghiệp sao cho phù
hợp với khả năng của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nhìn lại cuộc đua diễn ra giữa các “đại gia” tiên phong tại
Việt Nam, trong đó đáng chú ý là đợt rượt đuổi quyền phân phối sản phẩm iPhone
- sản phẩm công nghệ gắn liền với 3G sẽ thấy Mobifone sau khi tính toán lại đã
đột ngột không tham dự cuộc đua.
Về phía Viettel, sau thời gian ngắn hồ hởi với những toan
tính về khả năng tiêu thụ “quả táo” của thị trường nội địa đã nhận thấy nguy cơ
thua lỗ bởi sức tiêu thụ của khách hàng không cao như dự đoán.
Hiện ban lãnh đạo Viettel vẫn chưa đưa ra quyết định có nên
tiếp tục cuộc đua iPhone thế hệ thứ 4 hay không. Bởi nếu tiếp tục chấp nhận
những điều kiện khắt khe của nhà sản xuất về thời điểm, số lượng hàng nhập và
các đợt quảng cáo, rất có thể “đại
gia” này lại phải gánh thêm phần thua
thiệt.
Theo Phạm Thanh
Dân Trí