MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân chuyện 11 tỉnh thành...xin gạo, nói chuyện con số thống kê

Lần giở lại báo cáo kinh tế xã hội năm 2013, định hướng kinh doanh 2014 của các tỉnh, chúng ta thấy gì?

Theo phát ngôn của ông Thái Phúc Thành - Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH, tính đến 9/1/2014, đã có 11 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2014. Điều này không có gì bất ngờ. Nếu có dịp lên các khu vực rừng núi, nơi người dân thực sự không có kế sinh nhai nào khác ngoài nông nghiệp, với kỹ thuật lạc hậu, thiếu sự hỗ trợ. Nếu có dịp được chứng kiến những mái nhà tranh. Nếu có dịp chứng kiến những đứa trẻ không đủ áo ấm để mặc trong mùa đông. Nếu có dịp... thì hẳn ai trong chúng ta cũng thấy xót lòng. Và mong được hỗ trợ nhiều hơn nữa. Như ông Thái Phúc Thành vẫn nói, không để một hộ nào phải thiếu đói trong dịp Tết.

[Xem thêm: 11 tỉnh xin cấp gạo cứu đói dịp Tết]

Lần giở lại báo cáo kinh tế xã hội năm 2013, định hướng kinh doanh 2014 của các tỉnh, chúng ta thấy gì?

Chúng tôi xin trích lập nguyên văn một đoạn báo cáo tình hình kinh tế xã hội trong năm 2013 của một tỉnh.

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 14,1%, vượt so với kế hoạch đề ra (KH: 14%), tổng sản phẩm (GDP) ước đạt 4.472,5 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông, lâm nghiệp và thủy sản 27,9%, công nghiệp - xây dựng 39,14%; dịch vụ 32,96%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 14,5 triệu đồng (KH: 14,4 triệu đồng), tăng 2,3 triệu đồng so với năm trước.

Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 52.358 ha, vượt 4% kế hoạch; sản lượng ước đạt 182 nghìn tấn, vượt 1,7% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm trước".

Cũng nói ngay, đó là của tỉnh Lào Cai. 

Và đây là của Nghệ An, tỉnh xin tới 4.200 tấn gạo. Nguyên nhân không mấy khó hiểu, tình này vừa trải qua những cơn bão, lũ lụt lớn cuối năm vừa qua. Tuy vậy, báo cáo vẫn khá sáng sủa:

"Đã hoàn thành tốt 20/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) đạt khoảng 7,0%/KH 7-8% (cùng kỳ năm 2012 đạt 6,13%); trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,14%; công nghiệp - xây dựng tăng 5,34% (riêng công nghiệp tăng 8,28%); dịch vụ tăng 10,2%. Giá cả ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 4,92% so với tháng 12/2012. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23,57 triệu đồng (năm 2012 là 21,22 triệu đồng).

Mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 1.178.614 tấn, tăng 0,6% cùng kỳ."

Lào Cai và Nghệ An chỉ là 2 trong 11 tỉnh đã xin hỗ trợ gạo. Từ giờ đến Tết Nguyên đán, con số chắc không chỉ dừng ở 11 tình nói trên. Chúng tôi sẽ không bình luận thêm về các con số mà các tỉnh thành đã đưa ra. Có chính xác hay không, có sát thực tế hay không, chắc mỗi bạn đọc đều có câu trả lời cho riêng mình.

Còn nhớ, hồi tháng 5/2013, một Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị Chính phủ xem lại số liệu thống kê và kiến nghị Tổng cục Thống kê nên trực thuộc Quốc hội. Một trong những nguyên nhân vị đại biểu này đưa ra là "Tỉnh nào GDP cũng tăng cao nhưng cả nước lại đạt có 5,05%". Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ nói chung là tốt, chỉ có chỉ tiêu tăng trưởng GDP là không đạt, các chỉ tiêu khác rất tròn trịa. Câu hỏi đặt ra là số liệu như vậy đã chính xác hay chưa.

Tất nhiên, GDP chưa đủ để nói lên sự phồn vinh của một đất nước. Lại càng chưa đủ để nói mức độ hạnh phúc, ấm no của cả một dân tộc. 

Một khi các con số thống kê nói chung, GDP nói riêng, chưa thực sự chính xác, thì việc đưa ra những quyết sách nhằm cải thiện tình hình kinh tế xã hội, là việc làm tương đối khó khăn, nếu không muốn nói là mờ mịt. Giống như cách chúng ta vẫn xác định phương hướng thông qua Mặt trời, và bỗng dưng Mặt trời lại mọc ở hướng...Nam, thay vì hướng Đông!

Suy cho cùng, số liệu thống kê đưa ra không phải đưa ra cho người ta nhìn, mà để người ta tìm ra bản chất, quy luật của một hiện tượng. Qua đó, những giải pháp, quyết định tốt nhất được đưa ra. Số liệu có đáng tin hay không, thì người ta vẫn phải sử dụng, vì đó là những con số chính thức, được công nhận. 

Được biết, chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam năm 2013 là 71 điểm, đứng thứ 64 trên tổng số 149 quốc gia trong danh sách được xếp hạng (lưu ý không có các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada...) - trong khi điểm trung bình của danh sách là 83 điểm.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên