MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân chuyện CPI, nói về những chỉ số....tưởng như có thể "thở phào"

Sau một thời gian quay cuồng với lạm phát và rất nhiều hệ lụy do nó mang lại, liệu đã đến lúc chúng ta có thể "thở phào"?

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2014 với mức tăng 0,3% so với tháng trước đó. Đây không phải là con số bất ngờ đối với nhiều người. Tuy nhiên, sẽ không ít người giật mình khi biết lạm phát 6 tháng đầu năm 2014 (tăng 1,38%) là mức thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. So với mục tiêu lạm phát cả năm, sau nửa năm, CPI mới chỉ bằng 1/5.

Sau một thời gian quay cuồng với lạm phát và rất nhiều hệ lụy do nó mang lại, liệu đã đến lúc chúng ta có thể "thở phào"?

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2014 với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu” trong đó có những đánh giá đáng chú ý về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lạm phát năm 2013 vừa qua giảm sâu và ổn định ở mức 6,04% trong điều kiện chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng chứng tỏ tổng cầu của nền kinh tế suy giảm và phản ứng yếu ớt đối với các chính sách mở rộng. Lạm phát giảm sâu chủ yếu do chi tiêu tư nhân giảm sút, trong khi các doanh nghiệp không có động lực đầu tư do thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn. Kết luận này không khác mấy so với nhận xét của VCCI vừa đưa ra trong thời gian gần đây: 50% doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2014 là do thiếu đầu ra.

Còn nhớ tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014, TS. Trần Du Lịch đã đưa ra cảnh báo "nếu CPI 2014 chỉ dừng lại ở con số 5% thì đó là điều thất bại chứ không phải là thành tích". CPI cao, thực tế không đáng lo bằng dấu hiệu của việc tổng cầu suy giảm nghiêm trọng.

Không chỉ lạm phát, cán cân thương mại cũng tạo ra một dấu ấn trong năm 2013 với việc thặng dư khoảng 10 triệu USD, là năm thứ 2 liên tiếp nền kinh tế có xuất siêu, đóng góp vào thặng dư cán cân thanh toán và gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ủy ban kinh tế Quốc hội, cán cân thương mại nước ta cải thiện trong năm vừa qua là do nhu cầu nhập khẩu tăng không đáng kể (tổng cầu suy yếu, hãy nhìn chỉ số lạm phát để thấy rõ điều đó). Đây là xu hướng thiếu bền vững vì cấu trúc sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện.

Đóng góp lớn vào cán cân thương mại nước ta là khối các doanh nghiệp FDI, đó là điều phải thừa nhận. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, khối FDI ít chịu tác động bởi thể chế trong nước, suy giảm nhu cầu nội địa do vậy không tác động mạnh do các doanh nghiệp này hướng đến thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào các ngành gia công, tạo ra giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, do vậy chưa tác động tích cực đến thu nhập quốc dân. Phần lớn lợi nhuận thu được từ Việt Nam đã được chuyển về nước, hành vi chuyển giá và trốn thuế cũng đang dần trở nên phổ biến.

Quan sát cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa, chúng ta có gì?

Nhập khẩu vẫn chủ yếu là nhóm hàng máy móc, nguyên nhiên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu, không thay đổi suốt nhiều năm nay. Xuất khẩu vẫn chủ yếu là các mặt hàng thô hoặc mới sơ chế, đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Đáng lo ngại hơn cả, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam xuất siêu với phần còn lại của thế giới cũng chỉ đủ bù đắp quy mô nhập siêu kỷ lục từ quốc gia láng giềng này.

Thay lời kết

Việc cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô là một việc đáng ngợi khen. Suy cho cùng, "thành tích" của một nền kinh tế, được người ta đánh giá dựa trên những con số như vậy. Chỉ xin đăng lại ý kiến của ông Lê Đăng Doanh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân vừa qua: Chúng ta không nên ảo tưởng về những con số thống kê, về những thành tích chúng ta đã đạt được. Việc hồi phục kinh tế nước ta là rất mong manh, khi thực tế đang dựa trên lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu.

>> CPI tháng 6/2014 tăng 4,98% so với cùng kỳ
Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên