MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân lực IT, Áp lực trước xu hướng cộng tác

Những tập đoàn công nghệ lớn đang phát triển ngang qua nhiều quốc gia và tạo ra những điểm hút về nguồn nhân lực, làm cho những nước đang phát triển bị luẩn quẩn trong các giải pháp nguồn nhân lực.

Việc hợp tác nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển trong chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu được các thành viên thuộc liên minh Các công viên phần mềm châu Á – châu Đại Dương (SPA) đưa ra tại diễn đàn sáng 1.12 tại TP.HCM do công viên phần mềm Quang Trung và trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức.

Hợp tác, chia sẻ chứ không phải cạnh tranh

Ông Barnik Maitra, đại biểu từ Ấn Độ và là đối tác thuộc McKinsey&Company, cho rằng ngành CNTT ngày nay đã không còn hạn chế về địa lý và Ấn Độ đã tận dụng thành công phương thức của ngành này để thiết lập một trung tâm (hub) cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất trên toàn cầu. Ông ví dụ, IBM thâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới và cần sự hợp tác, chia sẻ về nguồn lực chứ không phải cạnh tranh. Điều này làm cho các công ty Ấn Độ thành đối tác lớn nhất của IBM. “Việc của chúng ta là làm sao để nhân lực bắt kịp guồng máy đa quốc gia, nếu Ấn Độ tạo ra 50 tỉ USD, Philippines tạo ra 10 tỉ USD về xuất khẩu dịch vụ IT, thì bao lâu nữa Việt Nam đạt được đích này?”

Theo ông Muhammad Imran Kunalan bin Abdullah, tổng giám đốc MDEC Malaysia, thị trường toàn cầu hoá không sử dụng nguồn nhân lực đơn giản của riêng một quốc gia, vì thế nước nào cũng gặp những vấn đề như nhân lực dư thừa ở lĩnh vực không cần nhưng thiếu những lĩnh vực cần thiết.

Theo ông, xu hướng cộng tác đang cấp thiết hơn bao giờ hết: “Ở Malaysia chúng tôi đang phải bắt đầu lại từ trường tiểu học với chiến lược liên tục đào tạo trong các ngành công nghiệp, người dân cũng đang được đào tạo đúng đắn để sử dụng chính phủ điện tử như một kỹ năng thúc đẩy phát triển ngành”.

Đuổi kịp xu hướng toàn cầu?

Thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định, Chính phủ đã đặt trọng tâm phát triển ngành CNTT đến năm 2020. Nhưng nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng nhất vì Việt Nam đối mặt với thách thức không chỉ về số lượng và chất lượng mà còn khoảng cách khá xa về nguồn nhân lực với các nước phát triển. Theo ông Nguyễn Trọng Đường, vụ trưởng vụ Công nghệ thông tin, hiện cả nước có khoảng 250.000 nhân sự CNTT trong nhiều lĩnh vực nhưng thách thức của ngành này là thiếu chuyên gia có trình độ trong từng ngành công nghiệp. Năng suất của kỹ sư CNTT Việt Nam vẫn còn ở mức thấp 10.000 – 12.000 USD/người/năm so với Ấn Độ là 30.000 USD, trong khi sức hấp dẫn của ngành này đang giảm xuống, tỷ lệ sinh viên tiếp cận ngành ngày càng thấp hơn.

Ông Thanachar Nummonda, giám đốc khu công viên phần mềm Thái Lan, cho biết dịch vụ gia công phần mềm nước này đạt doanh số 3 tỉ USD với khoảng 100.000 chuyên gia IT, và quốc gia này đang muốn cải thiện về số lượng cũng như có chính sách vực các doanh nghiệp nhỏ. Từ năm 2000 Thái Lan đã định vị khu phần mềm như một cổng cho phát triển ngành này. Đặc biệt trận lụt tồi tệ nhất trong 70 năm khiến Thái Lan thiệt hại 45 tỉ USD với 10.000 nhà máy và 660.000 công việc. “Cuộc khủng hoảng này cho chúng tôi bài học và nhắm đến cơ hội đầu tư lớn hơn vào IT với các dịch vụ giúp tái phục hồi, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ đám mây, hỗ trợ dữ liệu và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh”, ông cho biết. “Khu vực ASEAN nên có những cộng tác sâu về nguồn lực tạo ra điểm đến về thương hiệu cung ứng nhân lực tốt về tái xuất khẩu các dịch vụ IT toàn cầu. Các chương trình nhân lực tổng hợp giữa các nước với lộ trình xây dựng kỹ năng IT để tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia lớn”, ông đề nghị.

Ông Barnik Maitra cũng cho rằng cần có sự canh tân về nguồn nhân lực để phản ứng nhanh với các thay đổi và quản lý tốt để tồn tại. Các quốc gia mới phát triển có lợi thế về nguồn lao động nhưng sẽ không hiệu quả nếu thiếu năng động để đuổi kịp với xu hướng toàn cầu. Ngay tại các công ty khác nhau ở Ấn Độ đã có các nhu cầu khác nhau, vì thế cần xem thử ngành công nghiệp trong nước yêu cầu gì và có chương trình chuẩn hoá nguồn lực bắt đầu từ trường đại học, các kỹ năng kỹ thuật và kinh nghiệm chuyển giao hay hợp tác trên toàn cầu.

Theo Tuyết Ân

SGTT

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên