MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập siêu: "Căn bệnh" khó chữa

Có thể chưa tới mức hoang mang, nhưng không thể không lo ngại khi nhập siêu đột nhiên tăng cao trong 4 tháng đầu năm nay.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu 3 tỷ USD. Nhưng chỉ tính tới giữa tháng 4, con số chính thức của Tổng cục Hải quan đã là 3,1 tỷ USD. Sự khác biệt giữa hai con số trên là không nhiều, nhưng với xu hướng khó khăn trong việc thú đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, con số sẽ không dừng lại ở đó.

Nhập siêu, vì đâu?

Theo số liệu ước tính nói trên của Tổng cục Thống kê thì đến cuối tháng 4/2015 nhập siêu đã bằng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn chỉ tiêu đề ra (kiềm chế nhập siêu ở mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015).

Không khó để lý giải vì sao có con số này. Một điều hiển nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đó là vì tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với nhập khẩu. “Xuất khẩu giảm do cả giá và lượng”, ông Tuấn Anh thừa nhận và cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn từ cả hai phía: thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu.

Số liệu thống kê cho thấy, do giá dầu thô giảm nên kim ngạch xuất khẩu dầu thô trong 4 tháng đầu năm đã giảm tới 1 tỷ USD. Trong khi đó, nhóm hàng nông - lâm - thủy sản ước chỉ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Lượng đã giảm, giá cũng giảm mạnh nên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không tăng cao như kỳ vọng, chỉ đạt giá trị 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ - thấp hơn đáng kể so với mức tăng 16,9% của cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố mới đây, chỉ riêng trong quý 1/2015, chỉ số giá hàng xuất khẩu tính theo đôla Mỹ đã giảm 3,62% so với cùng kỳ. Nhưng ngay cả đã loại trừ yếu tố giá thì xuất khẩu cũng chỉ tăng 10,52%, vẫn thấp hơn mức tăng 13,2% của cùng kỳ.

Những yếu tố này đã làm giảm xuất khẩu. Nhưng nhập siêu tăng còn vì một nguyên nhân khác. “Kinh tế hồi phục thì nhập khẩu tăng nhanh, khiến nhập siêu tăng cao”, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định. Thừa nhận điều này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn chứng rằng, sự hồi phục của khu vực sản xuất đã dẫn tới việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tác động tới nhập siêu. “Chỉ trong 4 tháng đầu năm, riêng hai dự án lớn của Samsung và Formosa đã nhập khẩu hơn 1 tỷ USD máy móc, thiết bị”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Nếu nhìn ở góc độ này, nhập siêu do kinh tế hồi phục thì không phải là chuyện đáng lo, mà nên mừng. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh còn hồ hởi cho biết, ông nhìn thấy các xe container nối đuôi nhau chạy, gây tắc đường mà thấy... mừng, vì đó là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang thực sự hồi phục.

Một cơ hội bị bỏ lỡ

Ba năm 2012 - 2014, Việt Nam liên tục xuất siêu, đặc biệt năm 2014, con số xuất siêu đã lên tới 2 tỷ USD. Dư luận nhắc nhiều đến sự xuất hiện của Samsung với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 26,25 tỷ USD trong năm ngoái. Chỉ riêng Samsung đã xuất siêu tới 10 tỷ USD.

Nhìn vào sự đóng góp của Samsung rồi lại nhìn vào tốc độ nhập siêu tăng tới mức chóng mặt trong 4 tháng đầu năm, dư luận có lẽ đã vỡ lẽ: hóa ra, thành tích xuất siêu của 3 năm qua không phải là cái gì quá lớn. Nó không phải kết quả của việc cơ cấu nền kinh tế đã được cải thiện. Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu đầu vào nhập khẩu. Nếu cơ cấu kinh tế đã được “tái cấu trúc” như nhiều năm qua Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thì đã không có chuyện kinh tế vừa có dấu hiệu hồi phục, nhập siêu đã tăng mạnh trở lại.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, người đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại chuyện chẳng có gì là “sung sướng” trước thành tích xuất siêu của Việt Nam, mới đây tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân đã không ngần ngại nhắc tới “một cơ hội bị bỏ lỡ” trong cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc, thị trường mà Việt Nam đang nhập siêu quá lớn. Số liệu thống kê cho thấy, nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng từ mức 4,1 tỷ USD năm 2006 lên 29 tỷ USD năm 2014 và 4 tháng đầu năm nay đã là 10,7 tỷ USD.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014, các cơ quan quản lý và giới chuyên gia đã đồng thanh cho rằng, đó là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Rằng đó là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy hơn nữa tái cơ cấu kinh tế, nhưng kết quả thì ngược lại. Việt Nam dường như đang phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường này. Năm ngoái, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng 17,84%, nhập khẩu tăng 31,16%, còn nhập siêu tăng 38,26%.

“Chúng ta có thể đã bỏ lỡ cơ hội thay đổi cấu trúc thị trường, tránh nguy cơ lệ thuộc thương mại với Trung Quốc”, ông Thiên thẳng thắn. Câu chuyện thương mại với Trung Quốc còn rối rắm và phức tạp ở chỗ, sự khác biệt quá lớn trong con số thống kê của hai phía Việt Nam - Trung Quốc. Năm 2014, Việt Nam thống kê đã xuất khẩu sang Trung Quốc 14,9 tỷ USD, nhưng phía Trung Quốc lại tính là 19,9 tỷ USD. Ngược lại, Việt Nam tính nhập khẩu từ Trung Quốc 43,868 tỷ USD, trong khi Trung Quốc tính tới 58 tỷ USD. Tổng mức chênh lệch lên tới 20 tỷ USD!

Đã có ý kiến cho rằng, sự khác biệt này là do nhập lậu. Theo ông Thiên, nếu không tính đúng, tính đủ thì không thể kiểm soát được tình hình. Và như vậy, làm sao để có lời giải cho bài toán giảm nhập siêu từ Trung Quốc một cách hữu hiệu nhất?

"Căn bệnh" khó chữa?

Nhập siêu là "căn bệnh" khó chữa ở Việt Nam. Ngoại trừ giai đoạn 2012 - 2014 có xuất siêu mà nguyên nhân không nằm ở cơ cấu kinh tế thì Việt Nam nhập siêu rất lớn. Năm 2008, mức nhập siêu của cả nước là 17,5 tỷ USD; năm 2009 là 12,2 tỷ USD; năm 2010 là 12,7 tỷ USD; còn 2011 là 13,8 tỷ USD.

Nhập siêu lớn và nhập siêu từ Trung Quốc càng lớn hơn. “Nhưng tôi thấy lạ là Trung Quốc với Mỹ có nhập siêu lớn thì họ ngồi lại với nhau để họp bàn. Còn ta, sao không thấy”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác cũng đã thường xuyên có các cuộc họp bàn để tính chuyện kiềm chế nhập siêu, đặc biệt là giảm nhập siêu từ Trung Quốc.

Vậy vì sao “căn bệnh” này kéo dài từ năm này sang năm khác và không hề thuyên giảm, thậm chí đôi lúc còn tệ hơn? “Phải có chương trình tổng thế để tái cân bằng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta cần mở rộng quan hệ với Trung Quốc, nhưng phải tiến tới cân bằng”, TS. Trần Du Lịch kiến nghị.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để giảm nhập siêu, đặc biệt là từ Trung Quốc, không thể chỉ dùng các giải pháp thông thường là thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu mà phải bằng một chương trình tổng thể, bằng nhiều giải pháp khác nhau, bằng việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là bao giờ thì Việt Nam làm được điều đó?

Theo Hoàng Phương

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên