MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ công phải được tính theo quy định của pháp luật

Nợ công chính thức của Việt Nam đã được tính toán đúng theo quy định tại Luật Quản lý nợ công (QLNC). Việc tính dự phòng nợ bất khả kháng trong nước vào mức nợ công không phải là thông lệ quốc tế phổ biến, không phản ánh đúng bản chất của nợ công là nợ thực tế phát sinh.

Để đưa thêm các tiêu chí đánh giá nợ công cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tính toán mức độ khả thi”. Đây là quan điểm của PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) trong cuộc trao đổi về chủ đề cách tính toán mức độ an toàn của nợ công tại Việt Nam.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về con số nợ công lên đến 66,4% do Học viện Chính sách Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán? Việc tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng trong nước có phải là thông lệ quốc tế phổ biến hay không?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Xét về thực tiễn Việt Nam, con số nợ công lên đến 66,4% GDP do Học viện Chính sách Phát triển nêu ra được báo chí đăng tải lại là con số được tính toán không theo quy định của Luật QLNC, vì nó đã bao gồm thêm các khoản không tính là nợ công theo Luật. Đó là: nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội, nợ của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mà DNNN không có khả năng thanh toán, nợ phải trả của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, và dự phòng nợ bất khả kháng.

Xét về cơ sở lý luận và thông lệ quốc tế, cách tính toán như trên không phản ánh đúng nợ công của Việt Nam vì nhiều lý do.

Thứ nhất, tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội có nguồn thu và chi trả riêng, khi còn các hoạt động kinh tế thì còn có các đối tượng có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm và thụ hưởng chi trả nên không có khả năng vỡ nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội.

Thứ hai, DNNN là chủ thể kinh tế độc lập, tức là Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về những khoản nợ trong phạm vi vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN mà thôi, Nhà nước không chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của DNNN, do vậy, không thể tính toàn bộ nợ không có khả năng thanh toán của DNNN vào nợ công.

Lý do thứ ba là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam là tổ chức do Nhà nước thành lập và đã được cấp vốn để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, việc vay nợ của những tổ chức này phải đảm bảo nguyên tắc về khả năng trả nợ, không có rủi ro vỡ nợ.

Và cuối cùng, việc tính dự phòng nợ bất khả kháng trong nước để tính mức nợ công không phải là thông lệ quốc tế phổ biến, không phản ánh đúng bản chất của nợ công là nợ thực tế phát sinh.

Luật QLNC đã quy định rõ các tiêu chí để tính toán nợ công. Tuy nhiên, báo cáo này đề xuất đưa thêm một số các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn nợ công như khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách, mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm… và nhiều tiêu chí khác như chất lượng và rủi ro nợ công, mức độ năm chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài theo tiêu chí của IMF/WB, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển, hệ số tín nhiệm của quốc gia… Ông đánh giá thế nào về việc này?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Theo thông lệ quốc tế, để xác định ngưỡng an toàn của nợ công người ta thường sử dụng 2 tiêu chí là tỷ lệ % nợ công so với GDP và số nợ công tính theo đầu người.

Tiêu chí tỷ lệ % nợ công so với GDP cho thấy rằng tổng số nợ công lũy kế đã chiếm bao nhiêu phần trăm của GDP được tạo ra trong một năm. Đây là chỉ tiêu tổng quát nhất phản ánh mức độ an toàn của nợ công vì suy cho cùng Chính phủ lấy nguồn để trả nợ công từ GDP.

Ngoài chỉ tiêu tỷ lệ % so với GDP, Luật QLNC của Việt Nam còn quy định 3 chỉ tiêu khác đánh giá nợ công là: Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP; trả nợ chính phủ so với tổng thu ngân sách; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ bản, những chỉ tiêu này đã phản ánh khá tốt mức độ an toàn của nợ công ở Việt Nam.

Về nghiên cứu khoa học, việc xem xét thực tế để đề xuất thêm một số tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của nợ công từ đó nghiên cứu sửa đổi luật cho hợp lý hơn là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tính toán mức độ khả thi của đề xuất. Tôi chưa có điều kiện xem xét kỹ các đề xuất cụ thể này nên chưa thể nhận xét đầy đủ. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ thì có những chỉ tiêu được đề xuất chưa hợp lý, chẳng hạn như chỉ tiêu “mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm” vì bản thân nợ công là để bù đắp thâm hụt ngân sách nên không thể lấy nó đo lường chính nó.

Hoặc chỉ tiêu “hệ số tín nhiệm của quốc gia” là một chỉ số được tính toán từ rất nhiều chỉ tiêu khác, là kết quả của nhiều yếu tố, được sử dụng để bên cho vay xem xét xem có nên cho Chính phủ của một nước nào đó vay hay không. Nó chỉ gián tiếp phản ánh độ an toàn của nợ công, không nên sử dụng để phản ánh mức độ an toàn của nợ công.

Có ý kiến tại báo cáo cho rằng nên nâng ngưỡng nợ công cho giai đoạn tới 2015 - 2020 lên 68% GDP. Lý do là rủi ro vỡ nợ của Việt Nam thấp do nợ trong nước cao hơn nợ nước ngoài, tuy phải đảo nợ nhưng mức độ đảm bảo thanh toán cao. Nợ nước ngoài có xu hướng giảm, mức độ rủi ro thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Ngưỡng nợ công của Việt Nam mà Quốc hội xác định đã được tính toán dựa trên nhiều yếu tố đảm bảo an toàn của nợ công trong đó có cả những yếu tố mà báo cáo này đề cập nên không cần thiết phải nâng trần nợ công ở Việt Nam. Thêm vào đó, việc duy trì ngưỡng nợ công hiện hành cũng tạo áp lực để Chính phủ quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý kinh tế, quản lý chi tiêu công đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Do vậy, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chưa cần thiết phải nâng ngưỡng nợ công.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoàng Yến

Thời báo tài chính Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên