MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NSNN giai đoạn 2016 – 2020: Ưu tiên tiền để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Ưu tiên đầu tiên là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước, vì nợ đọng XDCB và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương.

Khi thẩm tra về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Quyết định 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bộc lộ một số tồn tại cần sửa đổi, bổ sung.

Chẳng hạn như chưa cụ thể hóa được hết phạm vi ngành, lĩnh vực cần hỗ trợ đầu tư; các chương trình hỗ trợ có mục tiêu còn phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp; việc ổn định tỷ lệ điều tiết thu ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách đã làm gia tăng sự chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, các địa phương.

Không hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp thông qua hình thức cấp phát trực tiếp

Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình. Theo đó, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không thể xã hội hóa đầu tư.

Tuy nhiên trong điều kiện cân đối NSNN còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ rà soát lại phạm vi hỗ trợ của NSNN cho từng ngành, lĩnh vực và nhu cầu cần xã hội hóa đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực hiện nay, bảo đảm tránh dàn trải và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét thu hẹp lại phạm vi, đối tượng hỗ trợ đầu tư như sau:

Chẳng hạn như không quy định đối với nhóm ngành “20. Dự trữ quốc gia” vì nhiệm vụ chi này đã thuộc chi thường xuyên theo Luật dự trữ Quốc gia, trừ “kho tàng dự trữ quốc gia” đã được quy định trong mục “6. Kho tàng”.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đề nghị NSNN không hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp thông qua hình thức cấp phát trực tiếp như trước đây, mà thông qua hỗ trợ lãi suất tín dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư của các hợp tác xã, sẽ đem lại hiệu quả cao hơn…

Cần sắp xếp lại thứ tự ưu tiên vốn

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, thứ tự ưu tiên bố trí vốn trong Tờ trình của Chính phủ chưa thật hợp lý, do đó, đề nghị sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên như sau:

Thứ nhất, ưu tiên đầu tiên là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước, vì nợ đọng XDCB và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện Luật Đầu tư công và Luật NSNN đòi hỏi phải xử lý dứt điển nợ đọng XDCB.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào thứ tự ưu tiên này việc hỗ trợ các dự án quan trọng, cấp bách của quốc phòng – an ninh, hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Thứ hai là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA.

Vì đây là những nguồn vốn đối ứng có thể huy động vốn tối đa và có hiệu quả của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ ba là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2014, có đầy đủ thủ tục đầu tư nhưng còn thiếu vốn và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang chuyển sang giai đoạn 2016-2020 để phát huy hiệu quả đầu tư, không gây lãng phí.

Thứ tư, bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên