MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NSNN: Năm nào cũng “thừa”, nhưng chúng ta luôn thiếu!

Nếu cứ duy trì tình trạng dành khoản thu NSNN vượt kế hoạch cho chi đầu tư, Việt Nam khó tiến gần đến tài khóa ổn định, giảm thâm hụt và giảm nợ.

Vào đầu quý IV/2013, Chính phủ đề xuất và được Quốc hội chấp thuận nâng mức bội chi ngân sách nhà nước từ mức 4.8%GDP lên 5.3% GDP do hụt thu và phát hành bổ sung 170,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã làm dấy lên nhiều quan ngại về tình trạng tài chính của quốc gia khi kỷ luật tài khóa vẫn chưa nghiêm, và thu NSNN hàng năm luôn vượt.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5.4%, trong khi thu cân đối NSNN năm 2013 ước giảm 7.8% so với dự toán, tương đương hụt thu hơn 63,000 tỷ đồng.

Tại nghị trường Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu NSNN, trên cơ sở đó rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu NSNN tích cực hơn.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 1/2014, báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết chúng ta không hụt thu mà đạt, và lại vượt dự toán.

Như vậy, năm 2013 tưởng chừng như sẽ là năm phá lệ khi NSNN bị hụt thu so với dự toán. Nhưng đến phút cuối, NSNN tiếp tục vượt dự toán.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, quyết toán NSNN hàng năm cho thấy thu NSNN thực tế luôn vượt dự toán, có năm vượt đến 65% nhưng chưa có năm nào chúng ta giảm được chỉ tiêu thâm hụt NSNN. Điều này đồng nghĩa công tác thống kê, dự báo của ta còn yếu và tính tuân thủ kỷ luật tài khóa là chưa nghiêm.
Nguồn: Số liệu MOF

Theo Báo cáo quyết toán NSNN của Kiểm toán Nhà nước hàng năm, các khoản thu NSNN vượt dự toán thường được dùng để bố trí vốn cho các dự án – nói ngắn gọn là tăng chi đầu tư thay vì dùng trả nợ vay, giảm thâm hụt NSNN, tăng tiềm lực tài chính cho quốc gia. 

Đến nay, khi Chính phủ công khai việc phát hành nợ để trả nợ cũ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn gợi ý, lấy một phần của cái cọc tiền “thừa” này để bố trí cho 91 dự án thuộc danh mục vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến hoàn thành trong hai năm 2014 – 2015.

Đồng ý rằng, nếu số thu vượt dự toán dùng bố trí vốn cho các dự án thuộc danh mục vốn TPCP có thể giúp giảm nợ, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ cắt giảm số nợ huy động trong tương lai để tài trợ cho dự án.

Do đó, nếu cứ duy trì tình trạng dành khoản thu NSNN vượt kế hoạch cho chi đầu tư, Việt Nam khó tiến gần đến tài khóa ổn định, giảm thâm hụt và giảm nợ trong thời gian tới.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên