“Ông lớn” xin miễn thuế để cổ phần hóa
Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn do vướng mắc về định giá, làm ăn thua lỗ, quá nhiều lao động
Theo kế hoạch, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC - tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ cổ phần hóa (CPH) vào năm 2015.
Âm vốn
Tháng 10-2013, Vinashin đã chấm dứt hoạt động, chuyển sang mô hình tổng công ty với 8 đơn vị thành viên được giữ lại, 234 doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm. Tính đến hết tháng 3-2014, SBIC đã hoàn thành cắt giảm 61 đơn vị, gồm chuyển nhượng vốn và góp vốn 33 đơn vị, sáp nhập 4 đơn vị, giải thể 20 đơn vị, bàn giao chuyển chủ sở hữu 4 đơn vị.
Lãnh đạo SBIC cho biết năm 2014 SBIC sẽ hoàn tất việc CPH 4 đơn vị thành viên là Công ty Tôn Vinashin, Công ty Cảng Chân Mây, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Hạ Long và Công ty Đóng tàu Cam Ranh.
5 đơn vị khác có lộ trình hoàn tất CPH đầu năm 2015 là Công ty Đóng tàu Thịnh Long, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Bạch Đằng và Công ty Công nghiệp Tàu thủy Phà Rừng. Công ty mẹ SBIC cũng sẽ phải hoàn tất các công đoạn để có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần ngay trong năm 2015.
Vì phần lớn các đơn vị trong tổng công ty đều lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu âm với giá trị rất lớn nên SBIC đề xuất Bộ Tài chính xem xét cấp đủ vốn điều lệ cho các đơn vị giữ lại. Đồng thời xin được miễn toàn bộ nghĩa vụ thuế phải nộp đối với các đơn vị thuộc diện giữ lại trong mô hình tổng công ty. SBIC cũng đề xuất Chính phủ cho chuyển các khoản nợ của các thành viên đang âm vốn chủ sở hữu về công ty mẹ để đủ điều kiện CPH. Nguồn bù đắp các khoản đã chuyển về công ty mẹ sẽ được lấy từ tiền bán cổ phần thu được khi CPH.
Vinalines cũng đang gặp nhiều khó khăn do hoạt động thua lỗ, nên DN này cũng đề xuất Chính phủ cho phép khoanh nợ như đối với Vinashin để có đủ điều kiện CPH.
Nhiều lao động dôi dư
Một vấn đề nan giải khác trong tiến trình CPH hai “ông lớn” ngành giao thông là bài toán sắp xếp lao động dôi dư. Lãnh đạo SBIC cho biết trong thời kỳ đỉnh cao Vinashin có 70.000 lao động. Sau 3 năm tái cơ cấu, SBIC đã cắt giảm lao động xuống còn 20.097 lao động vào tháng 2-2014. Khi thực hiện tái cơ cấu lao động phải thanh toán ngay các khoản nợ lương, BHXH và trợ cấp mất việc làm đối với số lao động phải nghỉ việc.
Đây là số tiền không nhỏ vì DN phải cùng lúc cắt giảm số lượng lớn lao động trong hoàn cảnh tài chính hết sức khó khăn. Do đó, tình trạng nợ lương, nợ BHXH diễn ra ở hầu khắp các đơn vị, có những đơn vị nợ lương trên 1 năm và nợ BHXH hàng trăm tỉ đồng.
Trước khó khăn này, SBIC đề xuất Chính phủ cho phép tổng công ty sử dụng nguồn tiền Chính phủ hỗ trợ sản xuất kinh doanh để trả nợ tiền BHXH phát sinh trong năm 2013 và được khoanh nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2012 trở về trước.
Còn lãnh đạo Vinalines cho biết đặc thù của ngành là lao động có bề dày công tác lâu năm, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng làm trong ngành nên khi sắp xếp lại lao động có thể khiến nhiều gia đình thất nghiệp. Trong khi chưa có cơ chế hỗ trợ người lao động dôi dư từ DN nhà nước, Vinalines đã hỗ trợ người lao động dôi dư từ nguồn tiền lương của người lao động thuộc diện giữ lại để hỗ trợ cho người bị nghỉ việc nhưng nguồn quỹ này không nhiều.