MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Đình Cung: Tái cấu trúc DNNN “chạy” nhanh nhất là tiến hành IPO

Tái cấu trúc là sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực mà khu vực kinh tế nhà nước đang nắm giữ; nếu sử dụng chưa hiệu quả thì nguồn lực này phải được “chạy” sang khu vực khác.

Đang có ý kiến cho rằng, trong khi tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng đang được tiến hành rất khẩn trương thì việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Và nếu như khu vực kinh tế nhà nước không khẩn trương tiến hành tái cơ cấu ngay thì dù lĩnh vực ngân hàng có cố gắng đến mấy thì thành quả cũng sẽ không như mong muốn.

Ông Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng: Câu chuyện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được bàn 3 năm nay rồi. Về cơ bản đã nhất trí với hai nội dung cơ bản, đó là: Trong chiến lược 10 năm sắp tới là tái cơ cấu nền kinh tế để thay đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị Trung ương III khóa XI vừa qua đã quyết định sẽ tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm đó là: Tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm đầu tư công), Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) và tái cơ cấu hệ thống tài chính (trọng tâm các NHTM, Công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm).

Điều đó đồng nghĩa với việc về mặt chủ trương họ sẽ tiến hành cùng một lúc 3 lĩnh vực này, do đó không có gì phải lo lắng rằng làm lĩnh vực này mà chưa làm hay “bỏ rơi”.

Vấn đề ở chỗ là phải tiến hành thực hiện như thế nào việc tái cấu trúc các lĩnh vực này được nhất quán, phát huy hiệu quả nhất.

Vậy theo ông thực hiện tái cấu trúc phải như thế nào để đạt được hiệu quả?

Trên quan điểm và cách nhìn hiện nay là sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực mà khu vực kinh tế nhà nước đang nắm giữ hay nếu sử dụng chưa hiệu quả thì nguồn lực này phải được “chạy” sang khu vực khác... tôi cho rằng tái cơ cấu DNNN cần tiến hành trên 3 lĩnh vực:

Thứ nhất, Áp đặt điều kiện kinh doanh khắt khe như những khu vực kinh tế khác, theo nguyên tắc “lời ăn – chỗ chịu”.

Tức là những lợi thế được tạo ra từ chính sách của nhà nước, những trợ cấp hay những can thiệp hành chính trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này cần được loại bỏ và DNNN phải chịu sự chi phối hoàn toàn của cơ chế thị trường.

Thứ hai, Xây dựng và áp dụng khuôn khổ quản trị theo thông lệ quốc tế

Thứ ba, Cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, sắp xếp lại tổ chức, đổi mới hệ thống quản lý, áp dụng các phương thức quản lý hiện đại.

Ông có cho rằng, việc miễn nhiệm lãnh đạo một số Tập đoàn như: EVN, Vinalines gần đây chính là một trong những việc của quá trình tái cơ cấu?

Muốn kết luận việc đó có là một công đoạn của quá trình tái cấu trúc hay không thì phải gắn vào từng trường hợp nội tình cụ thể. Do đó, tôi không có bình luận gì về việc này.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc xử lý gần đây như: cắt chức, điều chuyển công tác lãnh đạo này lãnh đạo kia; thoái vốn chỗ này chỗ kia; giải thể công ty hay bộ phận nào đó... chỉ là giải quyết sự vụ. Nếu chỉ giải quyết như thế mà không thay đổi môi trường kinh doanh, thể chế vẫn được giữ nguyên thì sự thay đổi đó chưa chắc đã tốt hơn.

Nhưng dường như cái “giải quyết sự vụ” mà ông nói vẫn hiện hữu nhiều hơn cả?

Tôi cũng nghĩ thế. Điều quan trọng hiện nay là cần phải đẩy mạnh hơn nữa công đoạn thứ nhất và thứ hai thì lúc đó kết quả của công đoạn thứ ba mới được duy trì.

Tuy nhiên, cách đi nhanh nhất cho việc tái cơ cấu DNNN đó là tiến hành cổ phần hóa. Vì một khi đã cổ phần hóa rồi nhà nước sẽ không sở hữu nữa hoặc sở hữu rất thấp, doanh nghiệp đó sẽ hoạt động như một doanh nghiệp bình thường.

Tiến hành cổ phần hóa vào thời điểm thị trường đang khó khăn như hiện nay ông có cho rằng nhà nước sẽ bị “thiệt” về giá không?

Nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nhà nước có cách ứng xử khác nhau. Tư nhân thì lấy lợi ích trước mắt làm trọng, còn nhà nước thì lấy chi phí cơ hội của đồng vốn làm trọng.

Hơn nữa, việc bán cổ phần không nhất thiết là phải bán đại chúng mà có thể bán cho các đối tác chiến lược, như vậy nhà nước vừa đảm bảo được về giá vừa đảm bảo được sự thay đổi trong quản trị điều hành.

Theo ông cần nhiều thời gian cho việc thực hiện tái cơ cấu này không?

Thời gian cho việc tiến hành tái cơ cấu DNNN cũng không còn nhiều, nếu lấy mốc chiến lược 5 năm (2010 – 2015) thì chúng ta chỉ còn thời hạn 3 năm. Rõ ràng, với lượng thời gian đó thì cần phải có bước thật sự đột phá thì mới hy vọng thực sự có làn sóng cải cách lần thứ 2.

Càng để lâu thì vấn đề không những không được giải quyết mà chi phí phải trả cho việc cải cách, thay đổi này sẽ tốn kém hơn gấp nhiều lần.

Nếu không thể tiến hành cùng một lúc mà phải chọn tuần tự, theo ông nên chọn như thế nào?

Trước tiên, chúng ta đã phân loại bao gồm có 700 doanh nghiệp giữ lại 100% vốn, cổ phần hóa 600 doanh nghiệp. Bước đột phá đầu tiên là phải tiến hành cổ phần hóa ngay số doanh nghiệp đã dự định này để đến năm 2013 – 2015 công việc cổ phần hóa sẽ hoàn tất.

Đồng thời, thoái vốn ở những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ tại những doanh nghiệp mà nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa trước đó. Số lượng doanh nghiệp thuộc diện này hiện nay có khoảng 400 doanh nghiệp.

Thứ 2, đối với những doanh nghiệp nhà nước giữ lại 100% vốn (khoảng 700 doanh nghiệp nêu trên) phải áp dụng quy chế công bố thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ 3, các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn ở những ngành nghề kinh doanh phụ, tập trung ngành nghề kinh doanh chính. Trước mắt là thoái vốn nội bộ sau đó mới thoái vốn các công ty ngoài.

Và cuối cùng là thực hiện cơ chế chuyên trách về quyền chủ sở hữu nhà nước.

Thực hiện tuần tự những bước đi này sẽ tạo ra bước đột phá về tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước mà chưa cần thay đổi gì về vai trò của khối doanh nghiệp này.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên