MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vương Đình Huệ: Nền kinh tế và TTCK 2014 sẽ khởi sắc hơn 2013

Trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi, chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn.

Năm 2013 vừa qua đi, dù nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn song những kết quả đạt được như GDP đạt 5,42%; lạm phát tăng thấp nhất trong 10 năm; chính sách tiền tệ ổn định; thu ngân sách vượt chỉ tiêu; nợ xấu được xử lý tích cực…đã minh chứng cho những nỗ lực điều hành của Chính phủ, sự phấn đấu của các ban ngành cùng nhân dân cả nước. Riêng với thị trường chứng khoán, chỉ số Vn-Index tăng hơn 22%, trở thành 1 trong 10 thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Bước vào năm 2014, tình hình kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng đang có dấu hiệu khởi sắc. Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Ngọ, chúng tôi có dịp trao đổi cùng Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, GS.TS Vương Đình Huệ.

PV: Thưa Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để khái quát tình hình năm 2013, theo ông nền kinh tế nước ta có những điểm nào đáng chú ý?

Ông Vương Đình Huệ: Năm 2013, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 2015, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng cao hơn năm trước. Kinh tế có bước phục hồi do đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu, cùng với ba đột phá chiến lược được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số kết quả…

Điểm tích cực nhất của kinh tế năm 2013 là ngoài ba trọng tâm về đầu tư công, tài chính – ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã tập trung tái cơ cấu ngành, đây là lĩnh vực rất quan trọng trong tổng thể Đề án tái cơ cấu kinh tế. Qua đó, điểm nổi bật lớn nhất trong tập trung tái cơ cấu ngành năm qua, chúng ta đã có quyết sách về vấn đề tam nông, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Điểm thứ hai, chúng ta đã tập trung tháo nút thắt điểm nghẽn của nền kinh tế (tồn khó cao, nợ xấu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp), vừa lo trước mắt, vừa lo dài hạn. Thực tế cho thấy, chúng ta đã và đang tiến hành tái cấu trúc kinh tế trong bối cảnh nguồn lực thực hạn chế. Do đó, để giải quyết nhanh nợ xấu của ngân hàng, năm qua chúng ta đã thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Tôi cho đó là giải pháp rất đúng và cần thiết.

Ngoài ra, một điểm nhấn vô cùng quan trọng năm qua đó là, mặc dù ngân sách khó khăn, nhưng chúng ta vẫn tập trung cho công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, đảm bảo các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội… được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn đó là: tăng trưởng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội và giải quyết việc làm chưa đạt mục tiêu, kinh tế vĩ mô phục hồi nhưng chưa vững chắc; lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời gian tới; tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các DNNN cũng vẫn còn chậm và còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có giảm nhưng vẫn còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, DN giải thể và ngừng hoạt động còn tăng, ảnh hưởng đến đời sống việc làm của người lao động...

Ông dự báo thế nào về diễn biến nền kinh tế 2014?

Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất lớn, bởi vậy cần phải có cái nhìn trên tổng thể tình hình kinh tế thế giới. Theo dự báo, kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Quỹ Tiền tệ quốc tế đã cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2014 của thế giới sẽ đạt khoảng 3,5 - 3,6%, cao hơn so với mức 2,9% của năm 2013. FDI được dự báo đẩy mạnh hơn cùng chính sách kích thích tăng trưởng của các nước, giảm nợ công, đấu tranh chống bảo hộ mậu dịch, thất nghiệp…; thúc đẩy tăng trưởng gắn với đổi mới, mô hình phát triển được coi là chiến lược ưu tiên của nhiều nước…

Trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi, chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Bản thân chúng ta cũng đã có những động thái tích cực, như: kinh tế tiếp tục phục hồi và ổn định hơn, lạm phát kiềm chế, cán cân thương mại cơ bản là cân bằng, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang đi dần vào cuộc sống…

Chúng ta cũng đang mong chờ những vấn đề về hội nhập quốc tế, ví dụ: việc ký kết đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do(FTA)giữa Việt Nam vàcác nước Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minhChâu Âu; tăng tốc cho hội nhập khu vực kinh tế ASEAN,… được hy vọng sẽ tạo ra những xung lực mới.

Mới đây, chúng ta đã có những cam kết tăng vốn ODA từ Nhật Bản dành cho các cơ sở hạ tầng và các dự án chương trình công nghiệp hóa. Cách thức triển khai cũng đã bắt đầu quyết liệt, dẫn vốn trúng, nhanh, đúng mục tiêu hơn. Tới đây, có thể chưa hy vọng một sự đột phá, nhưng chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2014 chúng ta vẫn chưa thoát khỏi trì trệ và phải chờ đến tận cuối năm 2015, đầu 2016. Nhưng theo ý kiến của Trưởng ban kinh tế thì dường như tình hình kinh tế năm nay rất lạc quan?

Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có cái nhìn tích cực hơn vì thực tế kinh tế Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện yếu tố về năng suất lao động tổng hợp, không chỉ là yếu tố vốn. Tất nhiên, yếu tố vốn là rất quan trọng nhưng việc bắt đầu xuất hiện yếu tố năng suất lao động tổng hợp đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng.

Tôi có thể dẫn ra một số ví dụ, có những thời kỳ trước đây tín dụng tăng bình quân 36% một năm, có năm cao điểm như năm 2009 là trên 50% nhưng tăng trưởng chỉ đạt 6 - 7%; bây giờ kế hoạch tăng trưởng tín dụng của chúng ta chỉ đạt 12% nhưng mức tăng trưởng đã hơn 5,4%. Như vậy, rõ ràng chúng ta đã dẫn vốn nhanh hơn, đến đúng địa chỉ hơn và có hiệu quả hơn.Hay như tiến độ các công trình hạ tầng và giao thông mấy năm gần đây đã nhanh hơn, ngay tại Hà Nội đã có nhiều cầu vượt được hoàn thành rất nhanh, đường vành đai 3, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Yếu tố năng suất lao động tổng hợp chính là một trong những cơ sở để tôi có niềm tin về những diễn biến tích cực hơn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khi giữ trọng trách Bộ trưởng Tài chính vào năm 2011 và đến nay là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, dù ít có nhận định về thị trường chứng khoán nhưng mỗi khi ông phát biểu là giá cổ phiếu lại khởi sắc. Dịp đầu Xuân, ông có nhận định thế nào về triển vọng thị trường 2014?

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua đã phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh, chỉ số VN-Index tăng 22% so với năm 2012, giao dịch mỗi phiên tăng 31% so với 2012 và được đánh giá là một trong 10 thị trường phục hồi tốt nhất trên thế giới. Tôi dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 tuy ít có khả năng tăng trưởng đột phá do còn những khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng sẽ tiếp tục phục hồi và khởi sắc hơn 2013.

Vâng, xin cảm ơn cuộc trò chuyện của Trưởng ban Kinh tế. Nhân dịp đầu Xuân, xin kính chúc ông cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành công!


Thành Hưng - Thanh Liêm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên