MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Nợ công 110 tỷ USD là bình thường

Dù nằm trong giới hạn an toàn, song cần phải nhìn nhận rằng con số nợ công hiện đang ở mức cao.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing
59 bài viết

Xoay quanh vấn đề Bộ Tài chính vừa đề nghị vay NHNN 30.000 tỷ đồng và những lo lắng về con số nợ công 110 tỷ USD năm 2014, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Mới đây Bộ Tài chính lên kế hoạch phát hành trái phiếu ngắn hạn, tín phiếu và đề nghị vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 30.000 tỷ đồng để tăng thêm nguồn cho ngân sách. Liệu những giải pháp này có hợp lý không thưa Đại biểu?

Việc phát hành trái phiếu ngắn hạn, tín phiếu Kho bạc Nhà nước chúng ta đã làm từ xưa để huy động nguồn vốn. Thông thường nguồn thu ngân sách tập trung nhiều vào cuối năm, song những khoản chi lại diễn ra trong cả năm.

Do đó, có những khoản cần chi trong giai đoạn đầu, nên nếu nguồn thu bị ảnh hưởng, như vừa qua là sự sụt giảm mạnh của giá dầu, thì việc phát hành tín phiếu ngắn hạn, trái phiếu là cần thiết.

Liên quan đến đề nghị của Bộ Tài chính vay NHNN 30.000 tỷ đồng, quy định có cho phép việc này. Từ trước cũng đã có trường hợp tương tự. Vấn đề là cần công khai công bố, minh bạch những khoản đó. Tôi cho rằng Bộ Tài chính đã công khai minh bạch rõ rồi.

Sắp tới đây, nếu Bộ Tài chính phát hành trái phiếu, tín phiếu kho bạc, có được nguồn tiền đáp ứng được cho chi đầu tư phát triển, thì khoản vay với NHNN có thể sẽ không lớn như vậy.

Trên hết, cần hiểu thực trạng tài chính của nước mình để có cách thức giải quyết cho hài hòa. Bởi nếu không giải bài toán ngân sách, làm cho các công trình đầu tư dang dở, thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Vì như vậy thì chi phí đầu tư sẽ tăng lên, ngân sách sẽ thêm gánh nặng.

Con số nợ công 110 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố và Chính phủ cũng chính thức xác nhận đang khiến nhiều cử tri lo lắng về mức nợ công đang tăng cao?

Việc quan tâm đến ngân sách là đúng. Song cần hiểu rằng số liệu của WB công bố được lấy từ số liệu của Bộ Tài chính, công khai trên website của Chính phủ.

Còn thực tế, thông tin của WB và các tổ chức quốc tế khác thì số liệu nợ công của Việt Nam còn nhỏ hơn nữa.

Tuy nhiên, khi nói nợ công thì phải so sánh với GDP. Hiện tổng GDP của ta là khoảng 188 tỷ USD. Nếu tính nợ công chiếm 60% GDP thì ra con số như vậy.

GDP của ta đang ngày càng lớn, ở mức gần 200 tỷ USD. Năm nay tăng trưởng tốt nên khi mẫu số GDP lớn lên thì tỷ lệ nợ/GDP giảm đi.

Do đó, con số nợ công 110 tỷ USD là bình thường. Chính phủ cũng đã cam kết giữ đúng bội chi ở mức 5,3%.

Từ nay đến cuối năm 2015, nợ công giao động ở mức 63 – 64% GDP. Chính phủ đã khẳng định là nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.

Ngoài ra, hiện phần lớn nguồn vay của mình là từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), WB, ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc, chứ không phải vay trôi nổi trên thị trường.

Được biết, những nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế lên tới 70 – 80%, đây là những khoản vay dài hạn, lãi suất thấp, nên sẽ không quá khó khăn với ngân sách.

Nợ công vẫn nằm trong giới hạn an toàn song ngày càng tăng và tiến sát ngưỡng cho phép. Vậy theo ông vấn đề đáng lo ngại với nợ công nhất hiện nay là gì?

Dù nằm trong giới hạn an toàn, song cần phải nhìn nhận rằng con số nợ công hiện đang ở mức cao. Do đó, vấn đề là phải kiểm soát khoản chi của nhà nước, giám sát nợ công, để chống thất thoát lãng phí.

Khi tiếp xúc cử tri, tôi thấy những băn khoăn mà cử tri đặt ra rất hợp lý. Cử tri đặt câu hỏi: tại sao nợ công tăng mà bệnh viện lại xây chậm và gường bệnh tăng chậm? Cử tri nói phải chi nợ công tăng lên nhưng bệnh viện tăng, gường bệnh tăng thì người dân đỡ bức xúc hơn.

Vậy theo ông làm thế nào để quản lý ngân sách và giám sát nợ công chặt chẽ hơn?

Cần thực hiện hiệu quả Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công. Giám sát kiểm tra chặt chẽ các khoản chi tiêu công.

Bộ máy quản lý Nhà nước, chi tiêu hành chính công phải hết sức tiết kiệm, sử dụng hiệu quả và đánh giá được tài sản Nhà nước. Như vừa rồi, DNNN tái cơ cấu, cổ phần hóa thì khoản đóng góp của khối này cho ngân sách ngày càng tăng lên.

Quan trọng là tiết kiệm chi, đảm bảo khoản chi hiệu quả, chống lãng phí, giảm bớt xây các cơ sở hành chính, cần nghiêm khắc cắt giảm để có nguồn đầu tư phát triển, xây dựng bệnh viện trường học.

Xin cảm ơn ông!

An Ngọc (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên