MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần doanh nghiệp tự khẳng định mình

Năm 2015, một trong những kế hoạch của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) là hỗ trợ những người trẻ, tuổi từ 28-32, được đào tạo bài bản, có tâm huyết với công nghiệp hỗ trợ (CNHT) gây dựng doanh nghiệp (DN).

Bên thềm năm mới, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng đã chia sẻ với Báo Hải quan về những trăn trở của mình, làm sao xây dựng một ngành CNHT Việt Nam phát triển.

CNHT là ngành quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp Việt nói riêng. Tuy nhiên, ông đã từng nói rằng, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội đầu tiên để phát triển ngành?

Cơ hội lần thứ nhất để phát triển ngành CNHT của Việt Nam đã  trôi qua kể từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới mở cửa thu hút các DN đầu tư nước ngoài, các DN tập đoàn lớn của nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư như Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic...

Ngay từ ngày đó chúng ta phải kiên quyết áp dụng chính sách thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn lớn này, mặt khác phải khuyến khích, thậm chí phải có định chế để các DN, tập đoàn này phải nội địa hóa các sản phẩm linh phụ kiện cho sản phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên do nhiều yếu tố cũng như do các tập đoàn này đã tham gia quá sâu vào việc nhận cung ứng đầu vào của các DN CNHT trên toàn thế giới, đặc biệt là DN tại chính bản quốc của họ nên DN Việt chưa làm được điều này. Điển hình là trong năm 2014 vừa qua Samsung đã công bố nhu cầu 170 sản phẩm linh phụ kiện cần nhưng các DN CNHT Việt Nam chưa thể đáp ứng được.

Nhưng khách quan mà nói thực trạng của DN Việt vẫn còn hạn chế?

Hiện nay, nguồn lực các DN Việt Nam chúng ta còn hạn chế, phần lớn chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và tự phát theo phong trào, chỉ kinh doanh thương mại nhỏ lẻ nhanh thu tiền và muốn làm giàu nhanh khi thấy đầu tư bất động sản, chứng khoán có lời thì đầu tư.

Bên cạnh đó, tình hình diễn biến chính trị và kinh tế thế giới biến động không ngừng. Tính canh tranh trong thương mại - sản xuất kinh doanh vô cùng khốc liệt. Đâu đó vẫn có người sẵn sàng chà đạp lên tình bạn, anh em, đồng chí để thắng trước, lợi nhuận trước, sẵn sàng xâm chiếm đất đai, sông biển hòng phát triển lợi ích...

Mặt khác việc toàn cầu hóa cũng làm cho các DN Việt Nam vốn đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng cần giải quyết trong thời gian tới.

Nói như vậy nghĩa là trong năm nay, HANSIBA sẽ có nhiều kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp Hội viên cũng như doanh nghiệp khác cùng tham gia phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ?

Năm 2015, Hiệp hội sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các DN hội viên nói riêng và các DN Hà Nội và cả nước nói chung, đặc biệt sẽ hỗ trợ xây dựng, hình thành các DN trẻ, hướng tới những thanh niên có hoài bão trở thành doanh nhân, tuổi từ 28-32, được học tập, làm việc tại các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới và các bạn học tập giỏi tại các trường Đại học, Cao đẳng của Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ xây dựng những doanh nghiệp trẻ, năm 2015, công tác thị trường cũng sẽ được Hiệp hội coi trọng.

Cụ thể, Hiệp hội sẽ tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nước ngoài, đề nghị đặt hàng cụ thể để các doanh nghiệp trong hiệp hội sản xuất. Liên kết cung - cầu hàng hóa “giao dịch nội khối” giữa các doanh nghiệp hội viên và các tổ chức hội, hiệp hội ngành Công - Thương nghiệp trên địa bàn Thủ đô và cả nước nhằm xây dựng chuỗi liên kết.

Hiệp hội cũng sẽ hỗ trợ hội viên dần tiếp cận và chú trọng đặc biệt vào công nghệ, đảm bảo sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu theo công nghệ mới, công nghệ cao cũng như liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng, tổ chức giáo dục đào tạo trong nước và quốc tế mà Hiệp hội đã ký kết hợp tác để triển khai công tác đào tạo, tuyển dụng và giới thiệu lao động có tay nghề chuyên sâu cho ngành CNHT.

Tôi nghĩ rằng, để CNHT trở thành trụ cột thực hiện nhiệm vụ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Đất nước, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy sự phát triển của các DN trong nước, tự thân mỗi DN phải tự khẳng định được mình trong từng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Mỗi một DN cần tiếp tục chung tay để cùng nhau vươn tới đẳng cấp quốc tế, gia nhập vào chuỗi cung ứng sản xuất giá trị toàn cầu cũng như chắt chiu, giữ gìn lịch sử dân tộc mà cha ông để lại, điều này sẽ tạo giá trị gia tăng rất cao cho mỗi DN, cùng cộng đồng DN đang ngày đêm chung tay góp phần xây dựng phát triển Đất nước từ những việc làm rất cụ thể trong từng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Xin cảm ơn ông!

Theo An Tư

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên