MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng: 4 giải pháp “cứu” ngành nông nghiệp

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chủ yếu...

Sáng nay (13/6), kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII tiếp tục bước vào ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ 3. Sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình bổ sung một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm.

Trong phần báo cáo giải trình, Phó Thủ tướng nêu quan điểm của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo giải trình cụ thể trước Quốc hội.

Cụ thể, Phó Thủ tướng khẳng định, khó khăn trong tiêu thụ nông sản đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tình hình tiêu thụ nông sản trên thị trường thế giới chậm được cải thiện, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi tái cơ cấu nông nghiệp nước ta còn chậm, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chủ yếu sau.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, doanh nghiệp với người dân...

Đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh nông sản; phát triển các hình thức liên kết hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; liên kết giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) .

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh và ứng phó với các rào cản kỹ thuật. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế. Ban hành và triển khai Đề án phát triển xuất khẩu vào các thị trường khu vực đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Phát triển mạnh hệ thống thông tin thị trường để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020”. Phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh kết nối cung cầu, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường; nhân rộng các mô hình tốt về tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và trực tiếp tiêu thụ nông sản. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, các biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, muối, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp...). Xây dựng và ban hành danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành phục vụ thông quan điện tử theo cơ chế “một cửa quốc gia”. Hỗ trợ các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản.

Khánh Nhi – Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên