MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng "bắt bệnh" nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của DN tư nhân

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế rất to lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, quy mô còn nhỏ, giá trị chưa cao.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (13/6), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời các chất vấn của Đại biểu Quốc hội về tình hình, nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm; cũng như các vấn đề về nợ công, xã hội hóa hạ tầng giao thông, cổ phần hóa…

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt câu hỏi: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính cho phát kinh tế xã hội. Trong những năm qua, Nhà nước đã nhấn mạnh vai trò của khu vực này. Tuy nhiên, những chính sách để hỗ trợ cho khối doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, chưa phát huy tác dụng. Trong bối cảnh hội nhập, những khó khăn của khối doanh nghiệp tư nhân càng trở thành nỗi lo lắng, thậm chí là một điều trăn trở.

Do vậy, ông Lộc cho rằng, để nâng cao năng lực của khối doanh nghiệp tư nhân, chúng ta cần làn sóng cải cách lần hai với những chính sách thực sự hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Giải đáp chất vấn của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế rất to lớn. Từ khi có Luật Doanh nghiệp 2005 đến nay đã có sự phát triển vượt bậc trong khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với những con số ấn tượng như gần 500.000 doanh nghiệp và trên 4 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, trong thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, quy mô còn nhỏ, giá trị chưa cao. Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất còn thấp; nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân như: môi trường kinh doanh chưa tốt; môi trường pháp lý còn bất cập; các biện pháp khuyến khích của nhà nước còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư…

Phó Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn tới, Chính phủ đặt yêu cầu cao trong việc phát triển doanh nghiệp tư nhân với các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung đã được thông qua tại Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, cải thiện môi trường pháp lý, xử lý tốt các vấn đề về phá sản, trọng tài, tranh chấp thương mại…

Thứ ba, hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, cũng như các hiệp hội ngành nghề.

Thứ tư, tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp; có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Cũng tại phiên chất vấn, khi được các đại biểu Quốc hội về vai trò của hội nhập và các hiệp định thương mại tự do, Phó Thủ tướng nhận định, đó là những cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nhưng bên cạnh cơ hội cũng tiềm ẩn nguy cơ thua ngay trên sân nhà nếu như thiếu sự chủ động.

“Do vậy, doanh nghiệp cần phải hết sức chủ động trước ngưỡng cửa hội nhập. Nhà nước cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế để đón nhận thời cơ” – Phó Thủ tướng kết luận.

Khánh Nhi – Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên