MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phụ phí... “trời ơi”

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kêu than, đồng thời yêu cầu các hãng tàu biển phải minh bạch những thứ phụ phí được mặc định sẵn.

Tuy nhiên, các hãng tàu lại giải thích vòng vo với mong muốn được "chia sẻ và thông cảm”. Có thể kể ra một số loại phí để có thể xuất khẩu một lô hàng DN phải đóng: phí dịch vụ container (cont), phí mất cân đối cont, phí vệ sinh cont, phí sửa chữa vỏ cont, phí đặt cược cont, phí tắc nghẽn cảng... Còn nhiều loại phí "bất chợt xảy ra”mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ còn biết... kêu trời.

Lạm thu

Nhiều DN XNK than phiền, một số loại phí là do các cảng thu nhưng thực tế các chủ tàu thu trực tiếp từ DN rồi nộp cho cảng. Tuy nhiên, mức phí mà chủ tàu thu thường cao hơn rất nhiều so với mức chủ tàu nộp cho cảng. Đơn cử, mức thu phí dịch vụ cont của cảng khoảng 35 USD/cont 20 tấn và 40 - 50 USD/cont 40 tấn nhưng chủ tàu thu từ chủ hàng với mức 100 - 120 USD/cont.
Lượng container (cont) của 3 ngành, dệt may, da giày, thủy sản chiếm trên 40% tổng lượng cont xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước. Song, thực tế đang tồn tại một bất cập khi mà quá nhiều phụ phí áp đặt buộc DN XNK phải tuân thủ. 

Theo thống kê của lĩnh lĩnh vực XNK các ngành kể trên, hàng xuất khẩu đang bị các hãng tàu biển "đóng dấu” trên dưới 10 loại phí khác nhau. Đơn cử, để có thể xuất khẩu một lô hàng DN phải đóng phí dịch vụ cont, phí mất cân đối cont, phí vệ sinh cont, phí sửa chữa vỏ cont, phí đặt cược cont, phí tắc nghẽn cảng….

Quá nhiều phụ phí đi kèm áp vào hàng xuất khẩu, vì vậy mỗi năm Công ty May Nhà Bè phải xuất phiếu chi 80 tỷ đồng cho logictis và hàng chục phụ phí khác đối với tàu biển. Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng cho hay, phụ phí mỗi năm mà DN xuất khẩu này phải trả lên đến 110 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng.

Theo bà Trương Thúy Liên, đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam, các hãng tàu đã và đang "đẻ” ra những phí vô tội vạ, thậm chí còn thu cả phí dịch vụ giao nhận (phí bill). Trong khi phí giao nhận là phí hành chính nhưng phí này lại tiên tục tăng cao, hầu như vài ba tháng lại tăng một lần tùy theo mỗi hãng  tàu. Nghịch lý  "tùy hứng” ở chỗ có hãng thu 500 ngàn đồng/bộ, có hãng thu 2 triệu đồng/bộ. 

Liên quan đến các khoản phụ phí, hầu hết các DN XNK bất bình với phí mất cân đối cont (CIC, CIS). Theo DN, phí này chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ cont giữa 2 đầu bến nhưng các hãng tàu đã và đang thu đều đặn các chủ hàng Việt Nam từ năm 2010 đến nay trong khi việc mất cân đối này có thời gian không xảy ra. Đối với hàng nhập về Việt Nam, nếu phát sinh phí thì chủ hàng xuất phải chịu.

Tuy nhiên, không hiểu sao chủ tàu vẫn thu từ chủ hàng Việt Nam với giá khoảng 50 - 100 USD/cont (tùy trọng lượng). Các hãng tàu biển lạm thu đến nỗi "đẻ” thêm cả những phí vô lý như phí sửa chữa cont. Bà Trương Thúy Liên cho biết, mới đây công ty của bà phải nộp 11,5 triệu đồng vì bị hãng tàu "đổ vạ” hư sàn khi vận chuyển hàng hóa của công ty.  Bà Liên cho hay, cont ở nước ngoài bị hư, chủ tàu bắt DN nước ngoài đóng sàn gỗ đền.

Phía DN Việt nhập khẩu hàng từ cont này thì bị hãng tàu bắt đến tiếp vì đóng sàn không đúng quy cách. "Thấy vô lý với "tội danh” bị gán ép, chúng tôi phải đấu tranh gần 1 tháng trời để đòi lại công bằng. Chỉ những khoản phí sửa chữa lớn thì mới đấu tranh cho bằng được, còn những khoản nhỏ hầu như DN bỏ qua cho nhanh gọn”, bà Liên phân trần. 



DN xuất nhập khẩu yêu cầu các hãng tàu biển 
xóa bỏ những loại phụ phí vô lý

Xóa bỏ phí vô lý

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM cho biết, sau khi Tân Cảng Sài Gòn hủy bỏ phí nâng cont ở cảng Cát Lái, đến nay còn 5/28 hãng tàu vẫn tiếp tục thu phí tắc nghẽn cảng, gồm hãng tàu APL, Forever Rich, China Shipping, Hanjin, NYK.
Nhiều DN XNH cho rằng, chủ tàu xem DN là "miếng mồi béo bở” nên lạm thu bằng mọi giá, từ khoản lớn đến khoản các khoản nhỏ. Thậm chí, bắt DN chịu thêm phí truyền dữ liệu. Tức là, khi phát hành hóa đơn mà sai nếu DN yêu cầu chính sửa phải chịu phí 30 USD/bộ, trong khi trước đây việc chỉnh sửa này hoàn toàn không mất phí.

Tràn lan phụ phí vô cớ xuất hiện đè nặng lên hàng hóa XNK, nếu cộng lại thì các khoản phụ phí tàu biển hoàn toàn không nhỏ. Theo tính toán sơ bộ của các DN, cứ trung bình một cont 40 tấn sẽ mất 100 USD chi phí phụ phí. Cứ 100 cont/tháng thì DN mất trắng 10.000 USD. Khoản tiền này không nhỏ đối với DN Việt Nam trong tình hình khó khăn như hiện nay. 

Tình trạng nở rộ phụ phí của hãng tàu biển gây sự bất bình cho DN XNK từ năm 2003 nhưng đến nay vấn đề này chưa được giải quyết triệt để. Không thoải mái khi đóng những thứ phí vô lý DN XNK mong muốn các hãng tàu công khai, minh bạch trong cách tính phí. Đặc biệt, cần điều chỉnh lại phí dịch vụ cont, đồng thời xóa bỏ những phí vệ sinh và sửa chữa vỏ cont... 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho rằng: "Điều mà DN cần là sự minh bạch thông tin. Tức là phải có lộ trình và công thức đẩy đủ các thứ phí. Số tiền không lớn nhưng vô lý khiến DN ấm ức. Chính vì sợ hàng kẹt, sợ cont không thông buộc DN phải "ngậm đắng, nuốt cay” dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thu phụ phí "trời ơi”.

Đáp lại bức xúc từ phía các hiệp hội và DN XNK, đa số hãng tàu chỉ biết ghi nhận và báo về tổng công ty ở nước ngoài. Riêng đại diện hãng tàu Evergreen thì khẳng định: "Thật sự đến thời điểm này phía chủ tàu không có công thức chính xác để tính các phí đó. Hơn nữa, DN XNK cần phải hiểu và thông cảm cho vì các hãng tàu cũng bị áp lực bởi nhiều chi phí không tên khác”. 

Trước sự bức xúc của các hiệp hội ngành nghề và DN XNK về các khoản phụ phí tàu biển, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, Nhà nước không điều chỉnh được giá cước vận chuyển cũng như những phụ cước vì đây là quan hệ có sự đồng thuận giữa 2 bên.

Cơ quan quản lý chỉ có thể bắt buộc các hãng tàu thông báo trước khi tăng các khoản phụ cước để DN có sự chuẩn bị hoặc bỏ những phí không hợp lý. Phí mất cân đối cont, phí vệ sinh cont, phí tắc nghẽn…  không đáng bao nhiêu nhưng DN cảm thấy không thoải mái là đúng. Và cần có tổ giám sát và cơ chế giám sát hoạt động thu các loại phí kể trên.

>>>Phụ phí “đè” thủy sản

Theo Thanh Giang

cucpth

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên