MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PMI tháng 8 giảm mạnh, Việt Nam "ngấm đòn" phá giá Nhân dân tệ?

Ảnh hưởng của việc phá giá Nhân dân tệ Trung quốc đã tác động lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi giá cả hàng hóa Trung quốc thấp hơn và cạnh tranh gia tăng...

Nikkei vừa công bố báo cáo Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2015. Theo đó, chỉ số này đã giảm từ 52,6 điểm trong tháng 7 xuống còn 51,3 điểm trong tháng 8; cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện yếu nhất kể từ tháng 3.

Nikkei đánh giá, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, trong tháng 8, sản lượng ngành sản xuất đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 10 tháng, nhu cầu của khách hàng giảm.

Đồng thời, báo cáo cũng cho biết, mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới cũng đã chậm lại trong tháng 8. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

Việc giảm nhu cầu của khách hàng quốc tế và áp lực cạnh tranh từ các công ty Trung quốc được coi là những nhân tố dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Ngoài ra, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hồi đầu tháng 8 cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến giảm giá cả đầu vào do giá cả trên các thị trường thế giới đối với các mặt hàng như sắt thép và dầu lửa đã giảm.

Mức tăng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng của các công ty sản xuất của Việt nam trong tháng 8 giảm do nhu cầu khách hàng giảm. Giá cả trên thị trường thế giới giảm đã góp phần làm chi phí đầu vào giảm mạnh. Điều này đã làm giá cả đầu ra giảm nhanh hơn, và nhiều công ty đã phải giảm giá đầu ra để đối phó với áp lực cạnh tranh từ các công ty Trung quốc.

Mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới yếu hơn dẫn đến lượng công việc tồn đọng giảm tháng thứ 3 liên tiếp, song các công ty tiếp tục tăng số lượng nhân viên trong tháng 8. Tuy nhiên, Nikkei cho biết, tốc độ tạo việc làm đã chậm lại so với tháng 7.

Bình luận về chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2015, ông Andrew Harker – Chuyên gia tại Markit cho biết, tình trạng suy yếu trên các thị trường thế giới như một “cú hãm” đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 8 và tốc độ tăng sản lượng chậm nhất 10 tháng.

Mặc dù vẫn ở trong vùng tăng, nhưng dữ liệu PMI mới nhất cho thấy tăng trưởng ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm rõ ràng so với các mức tăng mạnh mẽ của những tháng trước.

"Ảnh hưởng của việc phá giá Nhân dân tệ Trung quốc đã tác động lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi giá cả hàng hóa Trung quốc thấp hơn và cạnh tranh gia tăng. Do vậy, các nhà sản xuất trong nước hi vọng việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phá giá tiền Đồng sẽ giúp duy trì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp" – ông Andrew nhận định.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên