MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý thu, chi Quỹ bảo trì đường bộ năm 2013 còn nhiều sai sót

Thông tin này được đề cập trong kiểm toán chuyên đề về Quỹ bảo trì đường bộ 2013 do Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố.

Theo đánh giá của KTNN, nhìn chung, sau một năm hoạt động đến nay việc tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ đã từng bước đi vào ổn định, bảo đảm nguồn thu, phát huy vai trò của Quỹ trong công tác bảo trì đường bộ, duy trì tuổi thọ và bảo đảm sự bền vững, an toàn cho công trình đường bộ.

Song, qua kiểm toán cho thấy trong quản lý thu, chi Quỹ còn một số hạn chế: Công tác lập, giao kế hoạch thu, chi chậm và chưa phù hợp quy định.

Các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thái Nguyên chưa lập kế hoạch thu, chi; một số địa phương giao kế hoạch chi chậm, giao lớn hơn so với số thẩm định dự toán của Hội đồng quản lý quỹ Trung ương thẩm định, phê duyệt; Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ lập và trình Hội đồng Quỹ phê duyệt giao kế hoạch bổ sung công trình sửa chữa định kỳ không nằm trong danh mục do Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình;

Các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Yên Bái được ngân sách cấp bổ sung 87,772 tỷ đồng không thông qua Quỹ địa phương, ảnh hưởng đến công tác theo dõi, tổng hợp nguồn kinh phí; Quỹ bảo trì đường bộ trung ương còn phân chia quỹ mang tính chất điều hoà (bình quân) cho các địa phương;

Việc chuyển tiền cho các địa phương chậm nên đến 31/12/2013 một số địa phương còn dư quỹ 278,907 tỷ đồng; không phân chia hết tỷ lệ 35% cho các địa phương...

Công tác quản lý thu, chi Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và Quỹ bảo trì đường bộ các địa phương còn sai sót, chưa đồng bộ.

Về thu, còn 23 địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc chưa thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe ô tô của nước ngoài tạm nhập lưu hành tại Việt Nam;

Có 3/63 địa phương chưa ban hành mức thu phí xe máy; 7/50 địa phương đã thành lập Quỹ nhưng chưa triển khai thu phí xe máy; chậm nộp số phí thu được vào KBNN;

Về chi, công tác quản lý đầu tư còn sai sót trong tất cả các khâu, từ công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng công trình, quyết toán dự án hoàn thành...

Ngoài ra, KTNN còn phát hiện một số vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách như: Đối tượng nộp phí chưa hợp lý. Chẳng hạn như Những xe có đăng ký biển số, có đăng kiểm nhưng chỉ chạy trong nội bộ các bến cảng, bến tàu, sân bay, khu khai thác khoáng sản, lâm sản, xe đào tạo, sát hạch lái xe, xe rơ-móoc và sơ-mi rơ-móoc (không tự lưu hành) vẫn phải đóng phí đường bộ.

Các quy định về quản lý, bảo trì đường bộ chậm sửa đổi, không phù hợp thực tế. Quyết định số 3479/2001/QĐ-BGTVT không phù hợp thực tiễn công tác quản lý, bảo trì đường bộ; Quyết định số 2144/QĐ-CĐBVN ngày 05/12/2006 về việc ban hành Quy trình và Định mức tạm thời quản lý, vận hành và bảo trì Hầm đường bộ Hải Vân còn nhiều bất cập về định mức (mức tiêu hao nhiên liệu, vật tư được xây dựng trong định mức cao hơn nhiều so với mức được xây dựng dự toán và có sự không đồng bộ với định mức, Quy trình quản lý, vận hành và bảo trì Hầm đường bộ Hải Vân được ban hành theo Quyết định số 2705/QĐ-BGTVT ngày 04/9/2008 của Bộ Giao thông Vận tải).

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên