MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan trọng vẫn là con người

Con người là yếu tố quyết định, mô hình có đẹp đến đâu, hay tới đâu mà con người vô cảm, tham nhũng, không có nụ cười với nhân dân thì khó thành CQĐT của dân do dân vì dân.

Đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM, nhưng mô hình này phải như thế nào để phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời phải vì sự phát triển bền vững và nhanh chóng của thành phố là một vấn đề lớn, mang tính lịch sử… là những băn khoăn, đòi hỏi của nhiều đại biểu tại hội nghị góp ý “Đề án thí điểm xây dựng mô hình CQĐT TP.HCM” do uỷ ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM tổ chức vào ngày 15.8.

Một địa chỉ – một trách nhiệm

Theo ông Trương Văn Lắm, giám đốc sở Nội vụ TP.HCM, hiện nay địa bàn hành chính của thành phố có ba cấp là cấp TP.HCM trực thuộc Trung ương; cấp quận, huyện; cấp cuối cùng là phường, xã, thị trấn. “Nhưng trên địa bàn, xuất phát từ đặc thù của từng khu vực đã đô thị (đô thị hiện hữu là 13 quận trung tâm), khu vực đang đô thị hoá và khu vực nông thôn. Chính vì vậy, có nghiên cứu đề xuất trước là có hai cấp chính quyền là cấp chính quyền TP.HCM và cấp chính quyền cơ sở (ở bốn thành phố trực thuộc) ở các xã và thị trấn”, ông Lắm cho biết.

Đưa ra ví dụ về câu chuyện hiện nay giấy tờ “hành dân” là chính, GS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật thành phố cho rằng mô hình mới vẫn còn rối. “Ý tưởng thì nhất trí, nhưng tôi chưa hình dung được trong tổ chức mới này người dân tiện lợi cái gì, dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày không?”, ông Giao nhấn mạnh. “CQĐT phải là một đầu mối, một nơi giải quyết mọi việc.

Tất cả những gì xảy ra trên địa bàn mình phụ trách mình phải lo hết”, ông Giao nói tiếp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Danh, hội Cựu giáo chức thành phố cho rằng, cán bộ UBND thành phố hiện nay quá đông rồi. Chính quyền cấp phường nên rút bớt lại, chỉ để lại cán bộ quản lý địa bàn về hộ khẩu hộ tịch và trật tự an ninh địa phương để tránh trường hợp rác đổ không ai chịu trách nhiệm, buôn bán lấn chiếm không ai giải quyết được. Thêm vào đó, trong đề án đề nghị lập thêm vài phòng ban nữa là điều này không cần thiết.

Trả lời những thắc mắc của đại biểu, ông Trương Văn Lắm, cho biết trong mối quan hệ giải quyết công việc thì người dân sẽ đến cơ quan hành chính nơi được phân công giao nhiệm vụ đó và chỉ có một cửa đó thôi. “Nghĩa là có một đơn vị cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm này”, ông Lắm nhấn mạnh. Cụ thể, đối với các sở ngành của thành phố thì sẽ nâng cao trách nhiệm của các sở ngành là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là cơ quan tham mưu nữa.

Cần chú ý tới yếu tố con người

Ông Đồng Văn Khiêm cho rằng, hiện nay một việc lại có rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng khi có việc thì chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. “Tôi nghĩ, xây dựng mô hình CQĐT phải phối hợp, đi kèm và chú trọng cải cách hành chính, nếu không thì mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đấy”, ông Khiêm nói.

Ở một góc nhìn khác, GS Trần Đông A lại cho rằng, mô hình này sẽ giải quyết nhanh chóng hiệu quả, quy trách nhiệm cá nhân dễ nhưng cũng tiềm ẩn sai lầm khi ra quyết định. Do đó, theo GS A, quy trình bổ nhiệm, bầu người đứng đầu phải thật chặt chẽ và cơ chế giám sát kiểm tra cần phải quy định để giới hạn mặt yếu của mô hình này. Cũng băn khoăn về con người, ông Phạm Văn Hải, phó chủ tịch thường trực uỷ ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM cho rằng trong đề án vấn đề nhân sự còn rải rác, không tập trung. “Nên chăng phải có một đề án nhân sự?”, ông Hải đề xuất.

Cũng ở khía cạnh này, ông Đặng Văn Khoa “đúc kết”: “Con người là yếu tố quyết định, mô hình có đẹp đến đâu, hay tới đâu mà con người vô cảm, tham nhũng, không có nụ cười với nhân dân thì khó thành CQĐT của dân do dân vì dân. Do đó, khâu này cần chuẩn bị tốt hơn!”

Theo Đoàn Quý


thanhhuong

Sài gòn Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên