MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Quốc hội đi họp mà sao vắng nhiều thế?"

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng quy định hiện nay yêu cầu các đại biểu phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, song quy định này khó lòng thực hiện được, khi mà có tới trên 2/3 số đại biểu kiêm nhiệm.

Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sáng ngày 14/11, theo ĐB Nguyễn Anh Sơn, có nhiều cử tri nêu ý kiến về thực tế, các ĐB Quốc hội phát biểu hay nhưng giống như mọi người đi xem ca nhạc, các ca sỹ hát cùng một bài.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, trong các phiên truyền hình trực tiếp cho cử tri nghe, mặc dù Đại biểu nào cũng phát biểu rất hay, bài rất hoàn chỉnh song “hình như” là cơ cấu giống nhau khi có rất nhiều bài phát biểu hết sức giống nhau. Do đó, đại biểu Sơn cho rằng khi Quốc hội phát biểu tập trung về một vấn đề, cần cố gắng không trùng những ý kiến người khác.

"Bài cơ cấu giống nhau"

Đại biểu Sơn cũng chỉ ra thực tế là có rất ít đại biểu dũng cảm rút bài phát biểu của mình khi thấy giống hệt người khác. Theo vị đại biểu này, nếu các đại biểu có “bài trùng” mà “dũng cảm” rút đi bài phát biểu này, để người khác nói những điều mới thảo luận tại Quốc hội sẽ hiệu quả hơn, đưa được đầy đủ tiếng nói của các cử tri đến Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) cũng chỉ ra thực tế là nhiều tham luận đứng lên chỉ đọc một bài chuẩn bị sẵn và rất mất thời gian, trong khi có tới hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau, là điều không cần thiết. Do đó, cần phải có quy định về điều hành phiên họp để biến Quốc hội từ Quốc hội chỉ có tham luận thành Quốc hội tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng cho rằng nếu các đại biểu Quốc hội cứ tham luận như vậy, thì càng về sau sẽ có nhiều nội dung trùng. Thực tế, các đại biểu thường chuẩn bị sẵn một bài, nên dù đại biểu trước đã phát biểu về nội dung đó, nên vẫn phải đọc hết bài tham luận dẫn đến trùng. Do đó, Đại biểu Tâm đề nghị ghi hẳn trong nội quy là dành 1/3 thời gian chỉ để tham luận, còn lại ai cần thiết tranh luận cứ bấm nút tranh luận mà không quy định số lần tranh luận.

"Quốc hội đi họp mà sao vắng nhiều thế?"

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì lại băn khoăn chuyện các đại biểu vắng mặt trong cuộc họp. Thực tế hiện có tới 2/3 là đại biểu kiêm nhiệm, dẫn đến khi đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đã chất vấn là tại sao đại biểu Quốc hội đi họp, mà lại vắng nhiều thế, đại biểu hay làm việc riêng nhiều thế?

Theo đại biểu Quyền, một trong những bất cập hiện nay trong Nội quy kỳ họp chỉ phù hợp với đặc thù của các đại biểu chuyên trách chuyên trách, có thể giành toàn thời gian cho hoạt động Quốc hội, trong khi có tới 2/3 đại biểu kiêm nhiệm, nên cần có quy định rõ đối với những đại biểu kiêm nhiệm trong trường hợp vắng mặt.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng cho rằng quy định hiện nay yêu cầu các đại biểu phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, song quy định này khó lòng thực hiện được, khi mà có tới trên 2/3 số đại biểu kiêm nhiệm nên việc vắng mặt của không ít các đại biểu tại các phiên họp cũng là dễ hiểu, vì phải lo giải quyết công việc khác đôi khi còn cấp bách hơn.

“Qua các cuộc biểu quyết ta thấy số đại biểu tham gia biểu quyết thường vào khoảng từ 430-450 đại biểu bao gồm cả những trường hợp biểu quyết hộ, mặc dù ngay tại đầu kỳ họp Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở, như vậy trung bình số đại biểu vắng mặt thường trên 60 đại biểu”, - Đại biểu Hùng thông tin.

Kết luận thảo luận, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng do có cả đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm nhưng sẽ không có sự phân biệt về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của 2 loại đại biểu này. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải dành tất cả thời gian, còn đại biểu kiêm nhiệm dành ít nhất 1/3 thời gian.

“Chỗ này để quản lý chứ không có nghĩa muốn nghỉ bao nhiêu thì nghỉ là không đúng. Khi đã báo cáo với Chủ tịch rồi, thấy lý do hợp lý chính đáng thì Chủ tịch cũng quyết định cho đại biểu đó để giải quyết công việc của mình” – Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên