MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Không nên níu kéo!

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), nêu quan điểm như trên khi nói về hiệu quả thực sự của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Phóng viên: Thưa ông, nhìn vào bản chất thật, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) có hiệu quả trong việc bình ổn giá?

- TS Nguyễn Đức Độ: Bình ổn tức là khi giá thế giới lên, ta giữ giá trong nước không quá cao bằng cách xả quỹ; lúc giá thế giới xuống, ta trả lại quỹ thông qua trích lập ở giá xăng. Như vậy, giá xăng sẽ ổn định ở mức nào đó. Nói thế tức là Quỹ BOG chỉ hiệu quả khi thị trường lên xuống một cách nhịp nhàng trong chu kỳ ngắn và có thể dự báo được.

Còn nếu thị trường diễn biến theo một chiều lên hoặc xuống trong thời gian dài và mức độ tăng, giảm lớn thì dùng BOG rất khó để giữ được sự bình ổn của thị trường. Mà bản chất thị trường là mang tính chất đầu cơ; khi lên thì rất nhanh - mạnh, xuống thì “không phanh”. BOG chỉ làm chậm tiến trình điều chỉnh giá lại thôi. Cho nên xét về mặt logic kinh tế thì BOG nếu sử dụng trong trường hợp thị trường diễn biến theo một chiều trong nhiều tháng là không hợp lý.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

Tức là như thời điểm hiện nay, giá xăng thế giới giảm liên tục, mức giảm cũng đáng kể trong khi chúng ta vẫn duy trì trích quỹ là không đúng?

- Rất khó để có thể khẳng định quyết định trích BOG vào thời điểm nào đó là đúng hay sai bởi chúng ta không dự báo chính xác được thị trường sẽ diễn biến thế nào do còn ảnh hưởng nhiều yếu tố địa chính trị, kinh tế - xã hội... Như hiện nay, nếu chúng ta cứ trích lập quỹ, một thời gian nhất định sau khi xăng dầu thế giới tăng giá, chúng ta có phần dự trữ để bù đắp thì trích quỹ là đúng.

Nhưng nếu giá xăng cứ tiếp tục đà giảm thì trích quỹ như vậy là sai. Nó dẫn đến tình huống người tiêu dùng mất kiên nhẫn và bức xúc bởi sao cứ trích quỹ hoài mà không được giảm giá nhiều. Họ sẽ đặt câu hỏi nếu giá xăng xuống rồi nằm chết “gí” ở đó mãi không lên thì sao?

Hơn nữa, cần nhìn nhận ở đây là vấn đề lợi ích chứ không phải vấn đề kinh tế. Người tiêu dùng và doanh nghiệp chắc chắn có quan điểm khác nhau. Người tiêu dùng muốn giá xăng dầu giảm thì phải giảm đúng với giá thế giới, còn lúc giá lên mới cần BOG để trợ giúp. Còn doanh nghiệp thì có thể lúc giá lên, họ không thích BOG nhưng lúc giá xuống, họ lại thích. Tồn tại BOG là tồn tại mâu thuẫn lợi ích.

Vậy theo ông, nên ứng xử với công cụ mang danh nghĩa bình ổn giá này ra sao?

- Nói chung là công cụ bình ổn này không làm được nhiệm vụ của nó trong nhiều trường hợp diễn biến thực tế của thị trường. Nó chỉ hiệu quả khi diễn biến thị trường theo chu kỳ có thể dự đoán trước. Một khi không dự đoán được thì không hiệu quả. Do đó, quan điểm của tôi là không nên duy trì BOG.

Không trích quỹ, giá xăng còn giảm thêm

Giá xăng RON 92 sau 15 giờ ngày 19-8 được điều chỉnh giảm 768 đồng/lít, xuống mức giá bán lẻ cho phép không cao hơn 18.536 đồng/lít. Cùng với xăng, dầu diesel có giá không cao hơn 13.421 đồng/lít, giảm 441 đồng/lít. Dầu hỏa không cao hơn 12.409 đồng/lít, giảm 703 đồng/lít. Dầu ma-dút giảm 736 đồng/kg, còn 10.136 đồng/kg.

BOG tiếp tục được trích lập đồng loạt 300 đồng/lít và ngừng chi với tất cả mặt hàng.

Như vậy, nếu bỏ được khoản trích lập BOG thì người dân sẽ có cơ hội hưởng giá xăng, dầu các loại giảm thêm 300 đồng/lít so với mức giảm trên.

TS Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia xăng dầu:

Chưa có cơ chế minh bạch thì nên bỏ

Mục đích của BOG ban đầu là tốt, nó được coi như “con heo đất” của người tiêu dùng. Nhưng có thể trong thời gian qua, việc thiếu minh bạch trong sử dụng và quản lý khiến người tiêu dùng có cảm giác quỹ không có ý nghĩa nhiều đối với việc điều tiết giá. Phải làm rõ được nguồn quỹ còn bao nhiêu, mức độ sử dụng cho từng thời điểm là thế nào thì mới minh bạch được. Trong đó, chỉ riêng việc công bố số dư quỹ theo quý hay tháng vẫn chưa đủ. Cần công khai trong mỗi kỳ điều hành giá, quyết định sử dụng quỹ là bao nhiêu, tương ứng với sản lượng tiêu thụ thì đã tốn bao nhiêu, trích lập bù vào ra sao, phần trăm đóng góp cho việc điều tiết giá thế nào...? Vì không làm được điều này nên có những thời điểm BOG âm mà người tiêu dùng không biết tại sao.

Sự thiếu minh bạch đã làm người tiêu dùng không thấy được BOG phát huy tác dụng nên ngay cả khi nó phát huy tác dụng thì chúng ta cũng không nhìn ra được điều đó. Bởi vậy, muốn duy trì BOG thì phải có cơ chế minh bạch, nếu không thì nên bỏ quỹ này. Tôi nghiêng về phương án loại bỏ BOG khỏi cơ cấu giá xăng.

 

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên