MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ gắn với tiêu thụ nông sản

Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa chính thức được Bộ Công Thương phê duyệt. Điểm đáng chú ý của Quy hoạch lần này là gắn mạng lưới chợ với việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương.

Theo Quyết định số 6481 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ký ban hành ngày 26/6/2015, việc phát triển mạng lưới chợ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của chợ. Phát triển trên cơ sở kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữ nguồn lực toàn xã hội với vai trò tổ chức và quản lý của Nhà nước.

Mục tiêu của Quy hoạch là phát triển cải tạo, nâng cấp mở rộng các chợ đầu mối và chợ hạng I hiện có. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới ở những nơi có nhu cầu cấp thiết, đáp ứng tiêu chí quy hoạch, phát triển chợ đầu mối tiêu thụ nông sản do nông dân sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thông thường. Đến năm 2035 chợ đầu mối đảm bảo phần lớn hàng hóa nông sản được tiêu thụ và cấp cho mạng lưới bán lẻ, chợ hạng I cơ bản đảm bảo chi phối thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng.

Theo đó, chú trọng phát triển bền vững mạng lưới chợ cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm cho đô thị và mạng lưới chợ cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng thông thường cho thị trường nông thôn.

Trong đó, mạng lưới chợ đầu mối gắn với các vùng nông sản thực phẩm tập trung, có tính chuyên canh, quy mô lớn và ổn định, là nơi hội tụ và tập kết hàng hóa, khởi đầu lưu thông hàng hóa tại vùng ngoại vi các thành phố, thị xã.

Từ nay đến 2025 và cuối năm 2035, mỗi tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trừ Hà Nội và TPHCM, có thể phát triển một chợ đầu mối ở ngoại vi đô thị trung tâm hoặc chợ đầu mối ở vùng nông sản hàng hóa tập trung của địa phương.

Đối với chợ hạng I, tập trung phát triển tại các trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố (đô thị loại IV trở lên) để đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng thông thường của người dân, khách du lịch, vừa làm hạt nhân chi phối, chủ đạo đối với mạng lưới chợ dân sinh bán lẻ trên địa bàn.

Mỗi đô thị có tối thiểu một chợ hạng I, có thể kết hợp hài hòa các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, văn minh như siêu thị, trung tâm mua sắm…. Ban quản lý chợ từng bước chuyển đổi mô hình công ty kinh doanh chợ.

Định hướng phát triển mạng lưới chợ hạng II để bán lẻ tại những thị trường tập trung quy mô nhỏ và vừa, trọng yếu là mạng lưới chọ trung tâm huyện. Mỗi huyện tối thiểu có một chợ hạng II, đáp ứng nhu cầu người dân tại chỗ và chi phối thị trường bán lẻ cấp xã trên địa bàn.

Với chợ hạng III phát triển rộng rãi tại cấp xã để phục vụ trao đổi, mua bán hàng hóa sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân.

Việc đầu tư xây dựng chợ dựa trên cơ sở khai thác các nguồn vốn theo hướng kết hợp vốn hỗ trợ của Nhà nước, ưu tiên địa bàn khó khăn cùng các nguồn vốn xã hội hóa tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi.

Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho các chợ đầu mối tại vùng sản xuất nông sản tập trung, chợ trung tâm huyện, chợ biên giới, chợ dân sinh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhất là mạng lưới chợ tại 62 huyện nghèo.

Ngân sách địa phương bố trí thích hợp bồi thường giải phóng mặt bằng, thiệt hại, xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước… tập trung hỗ trợ các chợ đầu mối, chợ trung tâm huyện, chợ hạng II, hạng III ở vùng nông thôn, miền núi, nhất là địa bàn khó khăn

Tạo môi trường thuận lợi cho các hộ thực thi chiến lược mở rộng kinh doanh; tạo điều kiện cho thương nhân phát triển liên kết dọc và ngang, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho tiểu thương...; Phát triển đồng bộ các dịch vụ trong chợ như bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, đóng gói, cung cấp thông tin kinh tế thị trường, kiểm dịch an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên