MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng trưởng

Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,1% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,3%.

Theo số liệu từ Vụ kế hoạch Bộ Công Thương, tháng này chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (theo gốc so sánh năm 2010) tăng 6,7% so với tháng 5/2011. Tốc độ phát triển cả 4 ngành kinh tế đều tăng (tháng sau tăng cao hơn tháng trước) cho thấy sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng. 

Những ngành có tốc độ tăng tháng 5 so với cùng kỳ cao gồm: Sản xuất trang phục tăng 23,7%; sản suất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 16,9%; khai thác khí đốt thiên nhiên tăng 14,8%; sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại tăng 13,6%; sản xuất da và các sản phẩm từ da tăng 12,7%; khai thác than tăng 10,6%; sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất thuốc lá cùng tăng 8,8%, dệt tăng 8,4%; sản suất và phân phối điện tăng 8,1%... 

Tuy nhiên, những ngành giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ gồm: sản xuất thiết bị điện giảm 7,0%; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 4,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 2,5%; ...   
Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (theo năm gốc so sánh năm 2010) tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,9% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,6%. 

Những ngành công nghiệp có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 4,6%; sản xuất bia tăng 11,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 29,5%; sản xuất trang phục tăng 9,4%; sản xuất giày dép tăng 14,7%; SX giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 11,8%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 11,5% (trong đó sản xuất phân bón tăng 12,9%); SX sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị tăng 15,3%; sản xuất pin và ắc quy tăng 26,4%; sản xuất thiết bị điện các loại tăng 8,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%...

Tuy nhiên, có một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: khai thác và thu gom than cứng giảm 1,7%; sản xuất vải dệt thoi giảm 3,1%; sản xuất kim loại giảm 3,6%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 5,9%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 13,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,9%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 10,5%.
Những sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành gồm: điện tăng 8,3%; khí đốt (khí thiên nhiên) tăng 9,3%; xăng dầu các loại tăng 9,1%; polypropylen tăng 14,2%; thép cán tăng 14,7%; thép thanh, thép góc tăng 7,4%; điện thoại di động tăng 18,0%; xe máy tăng 17,2%; quặng apatít tăng 11,8%; phân urê tăng 42,6%; quần áo mặc thường tăng 7,9%; sữa bột tăng 13,2%; bia các loại tăng 10,9%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 31,2%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 8,4%; xi măng tăng 7,4%...

Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm như: than khai thác giảm 1,8%; khí hóa lỏng giảm 3,3%; sắt, thép thô giảm 7,0%; tivi giảm 8,1%; ô tô lắp ráp giảm 1,4%; vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 8,3%... 

Theo nhận định của Bộ, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới tuy đã có xu hướng phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Trong nước, hoạt động sản xuất công nghiệp tuy tăng trưởng ổn định nhưng vẫn ở mức thấp do ảnh hưởng giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới biến động tăng; thị trường cạnh tranh trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng gay gắt, phức tạp...

Cùng với thời tiết nắng nóng, khô hạn trên diện rộng, mưa đá tại một số vùng cùng với tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã làm giảm lượng xuất khẩu một số sản phẩm nông sản thực phẩm và khoáng sản; sức mua trong dân giảm nhiều do tiết kiệm chi tiêu; lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn chưa tiếp cận vì chính doanh nghiệp phải lo tiêu thụ hàng tồn kho trước...

Theo Bộ Công Thương “Những khó khăn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp trong thời gian này phải chủ động và linh hoạt giữ vững thị trường xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường trong nước, củng cố và nâng cấp hệ thống phân phối để tồn tại và phát triển.”


Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên