MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau nhắc khéo, Bộ GTVT xin "miễn bình luận"

Bộ GTVT xin miễn bình luận về bãi rác nghìn tỉ trên Biển Đông và lời nhắc khéo của Bộ trưởng Đinh La Thăng về "Bộ đường sắt" phải chăng ngành giao thông đang gặp khó với những đứa con "khó bảo"?

Không bình luận về 'bãi rác' của Vinashin, Vinalines

Hàng loạt chuyên gia lên tiếng về sự tồn tại của những bãi rác nghìn tỉ trên Biển Đông bao gồm những con tàu cũ, không thể tiếp tục sử dụng.

Cụ thể từ năm 2006, Vinashin đã để Tổng Cty CNTT Nam Triệu nhận bàn giao tàu Bạch Đằng Giang từ Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương với giá trị khoảng 155 tỷ đồng nhưng tàu vẫn không thể nhổ neo do đã hư hỏng.

Trong năm 2006 và 2007, Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin mua 10 tàu vận tải biển số tiền 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu đô la). Số tàu này đều có tuổi đời trên 15 năm.

Trong đó, tàu New Sun có quốc tịch Việt Nam, trọng tải toàn phần là 12.668 tấn với chiều dài 136m. Chủ tàu là Cty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin, được neo tại khu vực Bến Gót (Cát Hải, Hải Phòng) từ ngày 13/3/2012 trong tình trạng không có nhiên liệu, không có thuyền viên, không có các báo hiệu cảnh báo theo quy định nên không có đèn, điện, trông giống như một con tàu “ma”.

Chính vì lô tàu hàng trăm triệu đô la này “quá tuổi” nên chúng không được đăng kiểm tại Việt Nam. Hiện chúng đang được treo cờ nước ngoài (Panama, Tuvalu, Liberia) để tham gia hoạt động vận tải.

Dọc bãi biển từ Bắc vào Nam có thể thấy hàng nghìn con tàu của Vinashin nằm chết lâm sàng như con tàu Green Sea - trọng tải 76.000 tấn của Tập đoàn Vinashin - tại vùng biển tỉnh Quảng Ninh.

Tàu Green Sea (tuổi đời 30 năm vẫn treo cờ Panama vì không thể đăng ký tại Việt Nam do quá niên hạn) - được Tập đoàn Vinashin mua về năm 2007, trước đó một thời gian dài đã “chết” gí 2 năm trời tại vùng biển Hòn Nét, TP. Cẩm Phả.

Tại khu vùng nước hòn Cặp Bè, thuộc phường Bạch Đằng (TP.Hạ Long) cũng chình ình 9 con tàu vận tải được đóng mới ở các nhà máy của Vinashin, với tổng giá trị cả trăm tỉ đồng, và gần như chưa được đưa chủ nhân là Cty TNHH MTV vận tải biển Viễn dương Vinalines đưa vào sử dụng do làm ăn thua lỗ và không có khả năng chi trả lãi vay ngân hàng.

Nhìn bãi rác nghìn tỉ trên Biển Đông, nhiều chuyên gia thẳng thắn, Việt Nam đang trở thành một bãi rác công nghệ của thế giới. Vậy nguyên nhân tại sao Việt Nam lại luôn nhập những con tàu cũ, hỏng. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Ông Vũ Anh Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) đã khéo léo né câu hỏi: "Tôi xin phép không bình luận vấn đề này". Là đơn vị chủ quản những con tàu chết của Vinashin, Vinalines nhưng Bộ lại không bình luận đồng thời đẩy khéo trách nhiệm sang Cục Hàng hải Việt Nam hoặc các Cảng vụ Hàng hải.

Lý giải việc luôn mua tàu cũ, hỏng ông Minh cho rằng là do yếu tố thị trường và năng lực tài chính từng thời điểm. "Mua tàu cũ lại có ưu điểm vốn thấp, khả năng thu hồi vốn nhanh, tận dụng được cơ hội thị trường".

Thế nhưng do tuổi tàu già, hết khấu hao, tiền sửa chữa duy tu lớn mới dẫn đến tình trạng những con tàu cả nghìn tỉ đồng bỏ ra mua về rồi bị vứt bỏ, không hoạt động được và tạo thành những bãi rác chết trôi nổi trên Biển Đông thì không ai chịu trách nhiệm.

Khi nhìn nhận trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đã đẩy lỗi cho sự khiếm khiết của thị trường.

Lời nhắc khéo "Bộ đường sắt"

Cùng với lời từ chối không bình luận về bãi rác Vinashin, Vinalines thì mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã so sánh và có phần nhắc khéo đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại Hội nghị Triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2014 của đơn vị này tổ chức tại Hà Nội sáng 3/1.

Vị trưởng ngành lo ngại Tổng công ty hoạt động trên phạm vi rộng, số lượng lao động đông nhưng quy mô doanh thu, sản lượng chưa lớn. Trong khi đó, các loại hình vận tải khác như hàng không giá rẻ, đường bộ với hệ thống các đường cao tốc chuẩn bị đưa vào khai thác đồng loạt sẽ cạnh tranh gay gắt với đường sắt.

Là người quyết đoán, sẵn sàng "trảm tướng" nếu có phát hiện sai phạm nhưng lần này Bộ trưởng lại e dè nhắc nhẹ: "Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không nghĩ mình là doanh nghiệp mà như là một Bộ Đường sắt, tôi nghĩ vậy. Mối quan hệ với các cơ quan chức năng vẫn chưa thông suốt vì vẫn nghĩ mình là cơ quan quản lý nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Do vậy, ông Thăng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sắp tới sẽ thực hiện tách bạch giữa quản lý nhà nước, quản lý hạ tầng đường sắt với hoạt động kinh doanh vận tải. Phải thực hiện tái cơ cấu đồng bộ. Phải đổi mới từ những việc nhỏ nhất.

Theo Xuân Tùng 

cucpth

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên