MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án PPP

Thị trường tín dụng trung, dài hạn khó khăn, chủ yếu là các khoản tín dụng ngắn và trung hạn, dưới 20 năm.

Theo Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) ông Nguyễn Danh Huy để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng trong thời gian tới Bộ GTVT dự kiến sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án PPP. 

Mặc dù không nói chi tiết về mô hình, cơ chế cũng như số vốn dự kiến của Quỹ nhưng nhiều doanh nghiệp kỳ vọng thông qua quỹ này việc tắc nghẽn về nguồn vốn sẽ được phần nào giải quyết trong thời gian tới.

Thời gian vay vốn cho dự án PPP phải 20 năm trở lên

Theo Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Tasco, phương án tài chính của các dự án PPP thì nhà nước mong muốn các doanh nghiệp đầu tư lớn với thời gian thu phí dài nhưng ngân hàng thì ngược lại, cho vay vốn với thời hạn ngắn hơn.

Bên cạnh đó, các dự án ở mức 2.000-3.000 tỷ thì phương án tài chính có mức thu 20 năm thì gần như 7 năm đầu doanh nghiệp thu chưa đủ trả lãi vay. Ngân hàng không cho vay lãi nhập gốc mà yêu cầu nhà đầu tư chứng minh vốn của mình. Trong khi đó Nghị định 108 thì chỉ yêu cầu nhà đầu tư với 10-15%. 

Ông Dũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép ngân hàng thương mại cho vay trên 20 năm và cho vay lãi nhập gốc; nếu không Bộ GTVT phải điều chỉnh thời gian thu phí dưới 15 năm để giảm tải thời gian ban đầu bị âm vốn.

Đồng tình với ý kiến của ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Cienco4 Nguyễn Tuấn Huỳnh nhấn mạnh: Các cơ quan quản lý cần phải rút ngắn thời gian về thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ thu phí; đồng thời đề nghị các ngân hàng có thể liên doanh liên kết theo thời gian đối với dự án sử dụng ngắn hạn cho đầu tư trung hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Điểm nghẽn” này cũng là vấn đề cần các cơ quan chức năng bắt tay để có giải pháp. Bởi lẽ, vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông thường rất dài (khoảng 20-25 năm).

Sẽ có quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án PPP

Thừa nhận thực tế về ‘điểm nghẽn” về thời gian vay vốn giữa NHTM với các doanh nghiệp hiện nay, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) ông Nguyễn Danh Huy cho biết: Thị trường tín dụng trung, dài hạn khó khăn, chủ yếu là các khoản tín dụng ngắn và trung hạn, dưới 20 năm.

“Hiện nay có những dự án cũng chỉ được cho vay 15 năm, cá biệt mới có dự án được vay 20 năm, các tổ chức tín dụng trong nước còn hạn chế về nguồn lực tài chính. Vì thế nhiều khi nguồn thu phí chưa đủ trả lãi trong thời gian đầu khai thác”.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, thời gian tới Bộ GTVT sẽ có danh mục các dự án đầu tư rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. Đẩy mạnh chính sách nhượng quyền để tạo ra nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, sẽ thành lập lập quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án PPP để giải quyết vấn đề về vốn cho các DN khi tham gia vào các dự án PPP.


Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp cận chung với các thông lệ quốc tế, các thông tư thu phí hiện nay cần có sự điều chỉnh rõ ràng, giá phí cần có thông tư ban hành rõ ràng.

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ, các ngân hàng nâng mức tín dụng đối với các dự án giao thông.

Người đứng đầu ngành giao thông Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định: Các cơ quan của Bộ sẽ nghiên cứu làm sao quản lý phí chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án PPP, công khai minh bạch các dự án để người dân theo dõi, giám sát.

Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo để xây dựng các Đề án ở từng lĩnh vực, loại hình giao thông vận tải thu hút, kêu gọi đầu tư phù hợp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận: Các dự án sẽ được đầu tư bằng nhiều ngồn vốn cả  trong và ngoài nước, có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, để chính sách thực sự là động lực đòn bẩy kêu gọi nhà đầu tư đầu tư mạnh vào các lĩnh vực giao thông vận tải, để sớm hiện đại hóa hạ tầng giao thông nói riêng và góp phần đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất Việt Nam nên huy động các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí để đầu tư hạ tầng giao Thông. Vì hiện tại, quỹ bảo hiểm xã hội có giá trị khoảng 200.000 tỷ nhưng chưa đầu tư vào hạ tầng giao thông; trong khi lĩnh vực này đang cần một nguồn vốn rất lớn thì đó là một sự lãng phí.

Khánh Nhi

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên