MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ thông qua phương án cổ phần hóa TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong tháng 4

Giá trị doanh nghiệp của ACV vào khoảng trên 37.919 tỷ đồng, giá trị phần vốn nhà nước khoảng trên 20.769 tỷ đồng. Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án trong tháng 4/2015 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

Tóm tắt:

- Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án cổ phần hóa ACV trong tháng 4/2015 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

- Giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng

- Trong đó, có khoảng 110.367 tỷ đồng dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và PPP (48,4%).


Thông tin này được ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam chia sẻ với chúng tôi bên lề hội thảo “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam” do Lao động phối hợp với Cục hàng không Việt Nam đang tổ chức tại Hà Nội.

Cụ thể theo ông Thanh, hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung hoàn thành phương án cổ phần hóa (sơ bộ giá trị doanh nghiệp khoảng trên 37.919 tỷ đồng, giá trị phần vốn nhà nước khoảng trên 20.769 tỷ đồng);

Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án trong tháng 4/2015 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

Ông Thanh cho biết, việc cổ phần hóa AVC sẽ tùy theo tỷ lệ phần vốn nhà nước Chính phủ quyết định giữ lại, phần còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư và các cá nhân. Đây là một hình thức thông dụng để tư nhân tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không và đã được triển khai rộng rãi tại Việt Nam đối với lĩnh vực giao thông khác.

“Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là phải tìm được nhà đầu tư chiến lược trước khi cổ phần hóa và hiện nay đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước ngỏ ý quan tâm, trong đó có cả nhà đầu tư của Pháp. Chúng tôi đang cân nhắc chọn nhà đầu tư chiến lược” – Ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, khi nói về vấn đề xã hội hóa cảng hoàng không sân bay trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ông Thanh chia sẻ trong giai đoạn 2001 – 2014 ngành hàng không đã thực hiện việc đầu tư xây dựng trên tất cả các lĩnh vực kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay, đảm bảo hoạt động bay, đầu tư đội tàu bay cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Lượng vốn đã huy động được là 125.374 tỷ đồng trong đó nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ là 6.154 tỷ đồng (5%), nguốn vốn doanh nghiệp của ACV, Vietnam Ariline, Tổng công ty Quản lý bay (VATM) là 96.311 tỷ đồng (77%),  nguồn vốn ODA do ACV vay từ Chính phủ là 17.481 tỷ đồng (14%), nguồn vốn tư nhân 5.427 tỷ đồng (4%) trong đó có 41 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài.

“Như vậy, phần vốn đầu tư từ NSNN và TPCP, nguồn vốn tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại đa số là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách (chiếm tới 95%)”- Ông Thanh nói.

Giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng.

Dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn NSNN và TPCP là 30.724 tỷ đồng (13,3%). Nguồn vốn từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%), nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%), vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%). Phần còn lại 110.367 tỷ đồng dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và PPP (48,4%).

Giai đoạn 2015-2020 ngành hàng không cần lượng vốn đầu tư rất lớn vào kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế, vì vậy để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) là một nhu cầu cấp thiết.

>>>Năm 2015, tập trung cổ phần hóa thành công ACV và bán sân bay Phú Quốc

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên