MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ tính lương hưu theo bình quân cả quá trình đóng bảo hiểm

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2018.

Hôm nay (29/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chúng tôi phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai về một số nội dung liên quan đến dự án Luật này

PV: Nhiều người băn khoăn trong lần sửa đổi này sẽ có thay đổi về cách tính lương hưu. Xin bà cho biết rõ hơn?

Bà Trương Thị Mai: Hiện nay, việc đóng bảo hiểm và hưởng lương đang cao hơn so với cả quá trình đóng bảo hiểm của người lao động, chúng ta đang lấy bình quân của một số năm cuối để tính lương hưu nên rất cao. Sau này sẽ tính lương bình quân cho cả quá trình đóng, như vậy sẽ hợp lý hơn.

Nhưng cũng nhấn mạnh để người lao động yên tâm, người đóng bảo hiểm đầu tiên vào ngày 1/1/2018 mới bắt đầu tính chính sách này. 20 năm sau, người đó sẽ hưởng lương hưu bình quân cả cuộc đời đóng bảo hiểm. Nếu tính sớm quá sẽ thiệt thòi cho người lao động vì quá trình tính lương thời gian qua có nhiều thăng trầm, mức lương hưu cách đây hơn chục năm rất thấp, sẽ khó khăn cho người lao động.

PV: Tình trạng chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội hiện đang diễn ra khá phổ biến. Theo bà, trong luật cần có chế tài để loại bỏ vấn đề này?

Bà Trương Thị Mai: Luật xử lý vi phạm hành chính đã có, giờ thì phải xử lý hình sự. Vì đó là tội chiếm dụng, đã lấy của người lao động nhưng không chịu đóng, hai là trốn đóng. Tất nhiên điều này còn phải tiếp tục thảo luận.

Trong quá trình phát triển kinh tế, và cả suy thoái kinh tế, chúng ta sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, có trường hợp cố ý, có trường hợp do khách quan của doanh nghiệp… Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi tăng cường thêm xử lý trách nhiệm với các doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng bộ với việc này thì Luật Hình sự sửa đổi sẽ quy định tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Tăng chế tài chúng ta thực hiện nhiều lần nhưng mới là xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền phạt tăng thêm nhưng nợ đọng vẫn là vấn đề nhức nhối và ảnh hưởng tới người lao động về dài hạn nên Bộ Luật Hình sự sắp tới trình ra nên bổ xung thêm một số tội, tăng tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp. Còn với trường hợp do khách quan, do kinh doanh gặp khó khăn thực sự nên quy định xử lý đúng mức để tạo điều kiện một mặt doanh nghiệp làm ăn bình thường, người lao động bảo đảm chính sách an sinh xã hội.

PV: Như vậy, trong Luật cần qui định phải có thanh tra chuyên ngành, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Theo Luật Thanh tra thì chưa xử lý được khi giao cho BHXH. Nhưng nếu giao cho ngành lao động làm thì cũng bất khả thi bởi lâu nay lực lượng thanh tra lao động có làm nhưng với lực lượng mỏng và thanh tra toàn bộ các vấn đề liên quan đến pháp luật về lao động, không chỉ riêng về bảo hiểm xã hội nên không đủ điều kiện. Nếu Quốc hội quan tâm bổ xung cho Bảo hiểm xã hội chức năng thanh tra sẽ đảm bảo hơn cho người lao động, vì trực tiếp thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội sẽ thường xuyên và thực thi tốt hơn. Giao cho ngành lao động và tôi giám sát nhiều năm thấy rất khó khăn.

PV: Bà đánh giá thế nào về lo ngại Quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ?

Bà Trương Thị Mai: Báo cáo của tôi trước Quốc hội về tỷ lệ thu chi hiện đang tăng chi, giảm thu. Nếu chúng ta điều chỉnh chính sách thì nguy cơ vỡ quỹ sẽ không như dự kiến hiện nay của Chính phủ mà sẽ kéo dài hơn.

Điều chỉnh chính sách hiện này là mức đóng ngưỡng của tiền lương hưu cho hợp lý hơn và tăng tuổi nghỉ hưu căn cứ trên điều 187 của Bộ Luật Lao động. Tăng thời gian làm việc và giảm thời gian hưởng thì nguy cơ vỡ quỹ sẽ dài hơn.

Bên cạnh đó là một số chính sách khác như giảm trợ cấp 1 lần, người tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn và tăng đối tượng dưới 3 tháng phải có hợp đồng lao động thì sẽ tăng quỹ lên. Hoặc bổ xung đối tượng là học viên quân đội, công an, cơ yếu; đối tượng lao động nước ngoài tại Việt Nam, lượng cán bộ không chuyên trách tại xã phường và đối tượng này sẽ tham gia vào bảo hiểm tự nguyện, có hỗ trợ nhà nước để tăng đối tượng đóng, tăng thời gian làm việc, giảm thời gian hưởng.

PV: Có ý kiến cho rằng, chi phí cho bộ máy quản lý BHXH quá tốn kém, cộng với việc đầu tư ngoài ngành quá lớn nên quỹ BHXH không phát huy hiệu quả. Quan điểm của bà về ý kiến này?

Bà Trương Thị Mai: Quản lý BHXH hiện nay thu – chi theo luật, trừ việc đầu tư cho công ty tài chính cho một ngân hàng nông nghiệp làm ảnh hưởng một phần đến Quỹ. Nếu thực hiện theo Luật thì an toan vì đầu tư vào Ngân hàng nhà nước, trái phiếu Chính phủ và chưa dám đầu tư vào các công trình lớn.

Trong những năm suy thoái kinh tế, sinh lời thấp như năm trước lãi suất 14% giảm xuống 7%. Bộ máy chi phí quản lý BHXH, theo đề xuất của Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ lấy từ việc sinh lời chứ nhất quyết không lấy từ nguồn đóng của người lao động và sử dụng lao động. Tỷ lệ bao nhiều theo đề nghị 3 năm Chính phủ báo cáo UB thường vụ Quốc hội, sẽ xem xét mức chi hợp lý.

Chúng tôi cũng yêu cầu BHXH tăng cường quản lý bằng công nghệ thông tin, hành chính bộ máy và thực hiện xã hội hóa như thuê bưu điện chi trả trên địa bàn, không cần bộ máy cồng kềnh; thuế thu của doanh nghiệp và sự tham gia của một số cơ quan nữa; định hình và tham gia với BHXH để bộ máy giảm xuống và chi phí giảm dần; tổ chức lại việc này thì hiệu quả hợp lý hơn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Vũ Hạnh

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên