MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức ép "bủa vây" doanh nghiệp ô tô Việt

Việc tìm kiếm, lựa chọn các dòng xe ưu tiên cũng đã được các nhà quản lý và DN VN thảo luận suốt 4-5 năm qua, nhưng đến giờ vẫn chưa quyết định để triển khai.

Trong bối cảnh thị trường ôtô VN tăng trưởng mạnh, thậm chí là rất mạnh, từ 40 – 60% trong hai năm qua và dự kiến việc tăng trưởng này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, nhưng ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp ôtô và các DN lại đang chịu hàng loạt sức ép.

Nói bủa vây là bởi sức ép đó đến từ những quốc gia có ngành công nghiệp ôtô cực kỳ phát triển như Nhật Bản hoặc các nước Châu Âu, mà trong đó có nhiều hãng xe đã và đang đầu tư tại VN, thậm chí là của những nước trong khu vực và đang nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô phát triển như Malaysia, Philipines…

Từ sức ép trong khu vực

Một trong những mục tiêu, định hướng của ngành công nghiệp ôtô VN là đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn ra cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những quy định, ưu đãi, hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu này vẫn chưa ra đời thì những đối thủ trong khu vực đã có những chính sách riêng, cụ thể và rõ ràng.

Nếu so sánh cả về thị trường lẫn quy mô ngành công nghiệp thì VN đang xếp sau rất xa các nước trong khu vực Asean như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines… và trong khi VN công nghiệp ôtô VN đang đứng yên thì những quốc gia nêu trên lại liên tiếp có những chính sách mới, cụ thể theo giai đoạn mới để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Nếu như Thái Lan tập trung ưu đãi cho sự phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường thì mới đây, theo một số nguồn tin Philipines đưa ra chính sách hỗ trợ 1000 USD/xe dành cho xe sản xuất trong nước thuộc dạng ưu tiên phát triển nhằm tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Philipines đã lựa chọn 3 mẫu xe được gọi là dòng xe ưu tiên và bình quân mỗi mẫu xe được hỗ trợ khoảng 200 triệu USD và thời gian được hưởng ưu đãi trong vòng 6 năm.

Điểm đặc biệt là chính sách này được bắt đầu thực hiện từ năm 2016 và dành cho các DN sản xuất, lắp ráp ôtô, sản xuất linh kiện, có quy mô sản xuất lớn với tổng sản lượng xe cộng dồn đến thời điểm đăng ký đạt 100.000 chiếc và cả vòng đời dự án đạt 200.000 chiếc.

Đây cũng có thể xem là một chính sách được ban hành theo hình thức tạo hàng rào kỹ thuật nhằm đối phó với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực vì bản thân ngành công nghiệp ôtô của Philipines cũng thua xa các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… và cũng phải thực hiện các cam kết Afta với thuế suất nhập khẩu bằng 0% vào năm 2018. Hiện nay mỗi năm Philipines chỉ sản xuất được khoảng 100 nghìn xe, trong khi dung lượng thị trường khoảng 250 nghìn xe.

Thực tế, việc tìm kiếm, lựa chọn các dòng xe ưu tiên cũng đã được các nhà quản lý và DN VN thảo luận suốt 4-5 năm qua, nhưng đến giờ vẫn chưa quyết định để triển khai.

Và với chính sách mới đây của Philippines đang dấy lên nhiều lo ngại về việc các hãng ôtô đang đầu tư tại VN sẽ chuyển hướng sang đầu tư tại Philippines, nếu VN không có những hành động cụ thể hơn cho việc hõ trợ sản xuất trong nước…

Đến sức ép từ các quốc gia có ngành ôtô tốt nhất

Nếu không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ cụ thể thì rất khó, nếu không nói là tiếp tục thúc đẩy khâu sản xuất trong ngành ôtô tại VN.

Không chỉ yếu trước các đối thủ trong khu vực, hàng loạt những thông tin liên quan đến mức thuế suất nhập khẩu ôtô giảm mạnh và về 0% trong các cam kết và điều khoản thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) và TPP đang đè nặng lên ngành sản xuất ôtô trong nước.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đã chính thức được ký kết. Seoul và Hà Nội nhất trí cắt giảm trên 90% các dòng thuế nhập khẩu cho nhau, trong đó có linh kiện ôtô và ôtô nguyên chiếc gồm xe tải và xe con có dung tích từ 3.0L trở lên.

Theo lộ trình sau 10 năm, từ khi Hiệp định có hiệu lực, ôtô tải và xe con có dung tích từ 3.0L trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc về có thuế suất 0%.

Với Hiệp định thương mại tự do VN – EU thì VN đã cam kết đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu ôtô, xe máy của EU về 0% sau từ 9 tới 10 năm.

Một số thông tin cho biết trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ, Canada và VN có kế hoạch dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với ôtô Nhật Bản trong vòng 10 – 20 năm, trong đó, thời gian mà VN thực hiện đưa mức thuế nhập khẩu xe từ Nhật về mức 0% sẽ là 10 năm.

Nếu những cam kết và bàn thảo được ký kết và thực hiện theo đúng lộ trình thì vào năm sau, thị trường ôtô VN sẽ mở cửa mạnh mẽ cho hầu hết các quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển hàng đầu thế giới như Đức, Anh, Pháp, Ý (thành viên EU), Mỹ, Nhật Bản… (thành viên TPP), Thái Lan, Indonesia (thành viên AFTA) và Hàn Quốc.

Và nếu không sớm có những thay đổi về chính sách thì việc các hãng ôtô lớn đang đầu tư tại VN cũng như đang có ý định đầu tư tại VN sẽ ngừng lại là điều tất yếu. Chắc chắn là như vậy – vấn đề là VN có muốn tiếp tục phát triển khâu sản xuất hay không? Đại diện một DN ôtô lớn tại VN khẳng định và đặt câu hỏi.

Nếu muốn giải được hàng loạt sức ép đó thì phải có những thay đổi về chính sách cụ thể. Ngoài việc đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể đối với từng dự án thì việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm đối với các dòng xe ưu tiên, sản xuất trong nước và tăng mạnh đối với các dòng khác nhập khẩu nguyên chiếc như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết.

Và điều cần bây giờ là không phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận mà tiến hành thực hiện nhanh.

 

Theo Linh Anh

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên