MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sướng" mà không biết hưởng

"DN chưa tận dụng được nhiều số ưu đãi thuế quan nước mình có được từ các hiệp định FTA đã ký.” - Ls Trần Hữu Huỳnh nhận định tại Hội thảo Quốc hội với việc đàm phán FTA mới đây.

"Sướng" mà không được hưởng

Hiện nay Việt Nam đã có 8 FTA được ký kết, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA 1996), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA 2004), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA 2006), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJFTA 2008), Hiệp định kinh tế Việt Nam – Nhật Bản ( VJEPA 2009), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc và New Zealand (AANZFTA 2010), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA 2010), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê (VCFTA 2012).

Trên thực tế, các FTA này đã mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, như sản xuất xuất khẩu có lợi hơn từ việc loại bỏ thuế quan. Tăng trưởng xuất khẩu với mức độ cao hơn giai đoạn trước khi có hầu hết các FTA, tăng trưởng nhập khẩu đối với các loại máy móc thiết bị chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu.

Các FTA cũng khiến Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lý. Cụ thể, 7/10 nước đầu tư vào Việt Nam là các nước đã có FTA với Việt Nam. Vốn FDI từ các đối tác đầu tư đến từ các nước đã có FTA với Việt Nam cũng chiếm tới 34% tổng vốn FDI của tất cả các nước cộng lại.

Môi trường kinh doanh cũng nhờ gia nhập FTA mà trở nên thông thoáng hơn, an toàn hơn với một loạt các văn bản chính sách, pháp luật được xây dựng, sửa đổi; một loạt các chính sách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường được đưa ra; cải cách thủ tục hành chính được đề ra trên diện rộng. Thậm chí, doanh nghiệp từ thế hoàn toàn bị động cũng trở nên bớt bị động hơn khi tham gia vào góp ý các chính sách thương mại quốc tế.  

“Thế nhưng điều đáng lưu tâm hơn cả, là cộng đồng DN chưa tận dụng được đầy đủ các ưu đãi thuế quan của các FTA”  - Ls Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI nhận định.

Ông Huỳnh dẫn ra mấy lí do: “Một là do không biết, hai là do không đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ, ba là do thủ tục trình tự phức tạp. Theo chúng tôi cái cơ bản nhất vẫn là không đáp ứng được các điều kiện.”

Theo số liệu của Bộ Công Thương, theo dõi từ 2005 đến 2011, tỷ lệ C/O ưu đãi trên kim ngạch xuất khẩu dưới tác động của các hiệp định thương mại tư do là rất ít. Ngoại trừ con số của hiệp định thương mại AKFTA giữa Asean với Hàn Quốc có tỷ lệ 90%, thì rất nhiều các hiệp định khác, tỷ lệ C/O ưu đãi trên kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức  15, 20%, cao lắm thì 30%, thấp thì thậm chí chỉ là 7,37% như  AIFTA.
Số liệu về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu VN tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các FTA - Nguồn : VCCI - Bộ Công thương

“Như vậy là các ưu đãi được hưởng thì DN Việt Nam chưa khai thác được hết. Đã có ưu đãi rồi mà không khai thác được, điều này kéo dài suốt cả một quá trình, đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tận dụng, về việc tự thân vượt khó của DN VN trong thời buổi gia nhập thị trường quốc tế như thế này.”

 “Rõ ràng là xuất khẩu tăng nhanh nhưng giá trị gia tăng không cao. Trong cơ cấu hàng hóa thì chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, hàng gia công. Trong cơ cấu thành phần DN, thì DN FDI khai thác được nhiều hơn DN nội địa.

Phải làm sao?

Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do: Châu Á – Thái Bình Dương TPP, Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam- Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Karzakstan (VCUFTA), ASEAN+6 (RCEP), Việt Nam – Khối EFTA (VEFTA) và Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).

Các FTA mới này được đánh giá là sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam ngoài những cơ hội từ FTA đang có như: lợi ích xuất khẩu lớn (đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực), cơ hội tiếp cận thiết bị, công nghệ sạch và hiện đại, tiếp cận nguồn vốn đầu tư chất lượng, loại bỏ thuế quan, minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu… 

Tuy nhiên, ông Huỳnh  vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng các doanh nghiệp có thể để vuột mất các cơ hội của mình nếu không  tiếp tục thiếu thông tin hay không đủ điều kiện đáp ứng các quy tắc xuất xứ mới, thủ tục chứng nhận xuất xứ mới.

“Về lâu dài thì liệu sau này khi ký kết thêm các FTA nữa thì tình trạng (năng lực của DN, việc tận dụng cơ hội của doanh nghiệp nội địa - PV) có được cải thiện không? Thực trạng này còn  tiếp tục xảy ra nữa không sau khi 6 FTA thế hệ mới này được ký kết?”  

Ông Huỳnh cho rằng, DN nên được tạo điều kiện khi được tiếp cận thông tin đàm phán, được hướng dẫn để xác định, đánh giá tác động đối với doanh nghiệp, được tham vấn thực chất và thường xuyên trong suốt quá trình trước và trong khi đàm phán, trừ những FTA yêu cầu đàm phán kín.

Thêm nữa, khi FTA đã ký kết thì cần cung cấp cho doanh nghiệp thông tin chính xác, đầy đủ, có thể hiểu được về các FTA, hướng dẫn cho họ cách thức thực tế để tận dụng các cơ hội từ FTA, và đặc biệt là tư vấn về các FTA cho doanh nghiệp khi họ cần. Bởi theo ông Huỳnh, DN có thông tin thì mới có được sự chuẩn bị đầy đủ các yếu tố khác được.

“Doanh nghiệp cũng nên chủ động tham gia cùng Chính phủ thông qua các hiệp hội đại diện. Bởi vì nếu cứ bị động, coi việc đàm phán là của Chính phủ như hiện tại thì rất khó để thay đổi tình hình, dù Chính phủ có tạo điều kiện tốt hơn cho việc này.”. – Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI khuyến nghị.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên