MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động của TPP nhìn từ chương Quy tắc xuất xứ và Quy trình xác định xuất xứ

Chương Xuất xứ quy định một cách phổ quát rằng chỉ có những hàng hóa nào có xuất xứ từ, tức là được sản xuất một cách thực chất tại các nước thành viên, mới được hưởng mức thuế ưu đãi của TPP.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Chương Quy định về xuất xứ  và Quy trình xác định xuất xứ (trong bài này được gọi tắt là chương Xuất xứ) trong TPP có các quy định về xuất xứ, xác định rõ thế nào là một hàng hóa có xuất xứ từ một thành viên TPP để được hưởng những lợi ích của TPP. Chương này cũng tạo ra một cơ chế để thực thi những quy định này. Nói cách khác, chương Xuất xứ này đảm bảo rằng mọi lợi ích của TPP chỉ dành cho các thành viên của nó. Bởi vậy, đây cũng là một chương rất quan trọng, mang tính cơ sở thiết yếu của TPP.

Trước tiên, chương Xuất xứ quy định một cách phổ quát rằng chỉ có những hàng hóa nào có xuất xứ từ, tức là được sản xuất một cách thực chất tại các nước thành viên, mới được hưởng mức thuế ưu đãi của TPP. Với mỗi loại hàng hóa cụ thể thì có quy định riêng về xuất xứ và quy trình cần thực hiện để chứng minh xuất xứ của hàng hóa đó là từ nước thành viên TPP.

Chương này nêu ra 3 định nghĩa dùng làm cơ sở để xác định một hàng hóa nào đó có phải là được sản xuất tại nước thành viên hay không. Theo định nghĩa thứ nhất, một hàng hóa được coi là có xuất xứ nội khối nếu nó được nuôi trồng, thu hái, hay đánh bắt được trong các nước thành viên. Theo đó, các sản phẩm như nông sản nuôi trồng hay cá đánh bắt được trên những con tầu của các nước thành viên sẽ được coi là có xuất xứ nội khối.

Với định nghĩa thứ hai, những hàng hóa nào được sản xuất bằng nguyên vật liệu có xuất xứ từ nội khối hoặc nguyên vật liệu thỏa mãn điều kiện về xuất xứ theo quy định để được hưởng ưu đãi thuế quan TPP thì cũng sẽ được coi là hàng hóa có xuất xứ nội khối. Định nghĩa thứ ba công nhận rằng hàng hóa nào thỏa mãn được điều kiện về xuất xứ áp dụng riêng cho hàng hóa đó như chủng loại và tỷ trọng nguyên vật liệu không có xuất xứ nội khối được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó (hoặc những nguyên vật liệu này đã được gia công đáng kể để, về cơ bản, trở thành “hàng hóa TPP”) thì cũng sẽ được coi là hàng hóa có xuất xứ nội khối.

Chương Xuất xứ quy định các nước thành viên công nhận và đối xử như nhau với các nguyên vật liệu từ một thành viên nào đó như từ các thành viên khác khi những nguyên vật liệu này được dùng để sản xuất “hàng hóa TPP”. Như vậy, quy định này, còn được gọi là quy định về cộng gộp, có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp trong tổ chức chuỗi sản xuất và cung ứng nội khối thay vì sản xuất tại và sử dụng nguyên vật liệu được cung cấp từ bên ngoài khối.

Để tạo thêm công ăn việc làm và bảo vệ môi trường, chương Xuất xứ dành một điều khoản quy định và công nhận những vật liệu tái sử dụng có xuất xứ từ các nước thành viên và được dùng trong sản xuất một hàng hóa dưới dạng phục chế, tân trang như mới nào đó là vật liệu có xuất xứ nội khối để khuyến khích việc sản xuất nhiều hơn nữa các loại hàng hóa phục chế, tân trang này. Nhờ quy định này, các nhà sản xuất nội khối sẽ tăng cường sản xuất hàng phục chế, tân trang này thay vì đi nhập khẩu các vật liệu và linh kiện từ bên ngoài khối để sản xuất hàng mới tương ứng, làm lợi chung cho nền kinh tế của khối.

Do đặc thù về địa lý của các thành viên TPP, theo đó hàng hóa phải được trung chuyển qua một số địa điểm có thể nằm ngoài khu vực TPP trước khi đến tay người tiêu dùng nội khối, nên chương Xuất xứ có điều khoản quy định rằng các thành viên phải công nhận xuất xứ nội khối của hàng hóa nội khối kể cả khi hàng hóa này đã được trung chuyển qua một hay vài nước phi thành viên khác. Một số điều kiện kèm theo cho sự công nhận này là hàng hóa đó vẫn phải nằm trong kho ngoại quan của nước trung chuyển phi thành viên, không được gia công chế biến gì thêm ngoài những công đoạn như dỡ hàng, chất hàng lên tàu, nhập kho, dán nhãn và đóng dấu xuất xứ theo yêu cầu của nước nhập khẩu, hoặc các công đoạn bảo quản v.v...

Về quy trình xác định xuất xứ nội khối, nhằm giảm thiểu chi phí, thời gian và sự phức tạp trong khâu xác nhận xuất xứ cho các doanh nghiệp, đặc biệt cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương Xuất xứ đưa ra một hệ thống chung áp dụng trong toàn khối về việc chứng minh và kiểm chứng xuất xứ nội khối của hàng hóa để tạo thuận lợi cho nhà nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi TPP khi có đầy đủ chứng từ theo quy định. Về phía cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thành viên, họ được sử dụng các công cụ quy định trong chương Xuất xứ theo cách thích hợp nhất để kiểm chứng xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, như yêu cầu cung cấp thông tin từ nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hay được đến thị sát cơ sở của nhà xuất khẩu hay sản xuất hàng hóa đó.

Ngoài ra, nhìn trước khả năng sẽ có thay đổi trong tương lai về dây chuyền cung ứng và quy trình sản xuất, chương Xuất xứ quy định các nước thành viên sẽ nhóm họp thường xuyên để đưa ra các cải thiện về công tác quản lý xuất xứ hàng hóa cho phù hợp với thực tiễn.

Tóm lại, một trong những điểm mới trong quy định về xuất xứ trong khuôn khổ TPP là việc công nhận sự cộng gộp các công đoạn sản xuất hay nguyên vật liệu được tạo ra và sử dụng tại các nước thành viên trong cấu thành của một hàng hóa nào đó là các công đoạn hay vật liệu nội khối để hàng hóa đó được hưởng ưu đãi thuế quan TPP tại nước nhập khẩu trong khối. Quy định này sẽ khuyến khích và giữ chân các nhà sản xuất của các thành viên TPP tổ chức dây chuyền sản xuất và cung ứng ngay tại khối thay vì sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu bên ngoài khối, từ đó tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho các ngành sản xuất hàng hóa này ở các nước thành viên.

Một điểm mới khác trong chương Xuất xứ là quy định rõ một quy trình đơn giản và minh bạch để chứng minh xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan TPP. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng và là khác biệt lớn với các hiệp định thương mại tự do (FTA) có các nước thành viên cũng đồng thời là thành viên của các FTA khác với những quy định khác biệt về xuất xứ. Sự khác biệt trong quy định về xuất xứ này nhiều lúc gây khó khăn cho việc xin hưởng ưu đãi thuế FTA của nhà nhập khẩu, ví dụ, với những hàng hóa trải qua các công đoạn chế biến tại các nước thành viên của các FTA khác, không có liên quan với nhau. Khắc phụ được trở ngại về chứng minh xuất xứ này sẽ là động lực lớn thúc đẩy dòng chảy sản xuất và thương mại và nhờ đó tăng cường thịnh vượng trong khối TPP.

 

 

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên