MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc đầu tư công: “Có tiếng, mà không có miếng?”

Trong không khí tái cấu trúc rầm rộ cuối năm 2011, vấn đề đầu tư công cũng được nói đến nhiều, đặc biệt tại hàng chục các cuộc hội thảo lớn nhỏ.

Nhưng, đến nay, ngoài những tuyên bố rầm rộ như cắt giảm đầu tư công, “siết” đầu tư công,... thì chưa có một văn bản cụ thể nào về tái cấu trúc đầu tư công được ban hành.

Tái cấu trúc kinh tế: Giờ đang ở đâu?

Bài 1: Tái cấu trúc ngân hàng: Mới chỉ "khởi động"




Bài 2: Tái cấu trúc đầu tư công: “Có tiếng, mà không có miếng”?

Nhu cầu bức thiết

Phát biểu tại một cuộc Hội thảo mới đây do Kiểm toán Nhà nước tổ chức, TS. Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- cho biết, cả nước hiện nay có 66.000 dự án đầu tư công với nhu cầu vốn khoảng 220.000 tỷ VNĐ. Trong số đó, có khoảng 70% số dự án do các địa phương quản lý và quyết định đầu tư, tuy có cần sự chấp thuận của trung ương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 10 năm qua liên tục tăng và duy trì ở mức cao. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đã tăng từ 35,4% năm 2001 lên gần 42% năm 2010.

Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư của khu vực công có một vị trí khá quan trọng. Trong giai đoạn từ 2001 – 2010, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước và bằng khoảng 24,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính theo tỷ lệ trên GDP, vốn đầu tư từ ngân sách trong giai đoạn này lên đến 9,8%.

Năm 2011, cả nước đã triển khai đầu tư công với tổng số vốn dự kiến chi 123.029 tỷ cho 20.529 dự án, tức là đáp ứng khoảng 1/3 dự án và ½ nhu cầu vốn đầu tư.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội (có thể coi là không có giới hạn) và khả năng huy động vốn (do chủ dầu tư tự đề xuất và thường chưa được kiểm chứng) trong khi các tiêu chí về hiệu quả kinh tế-xã hội, trách nhiệm thu hồi vốn... chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc pháp lý.

Định hướng tái cấu trúc đầu tư công

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị III Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “...cần khẩn trương soát xét, điều chỉnh luật pháp, chính sách và cơ chế quản lý đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng; đặc biệt là vấn đề phân cấp quản lý nhà nước về thu chi ngân sách và đầu tư. Khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hay từ chối hoặc cắt giảm các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư công.

Khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường; cũng như tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, nợ xây dựng cơ bản lớn, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp.”

Phát biểu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là một bước đúc kết về đầu tư công và cần tổ chức thực hiện theo một lộ trình hợp lý.

Như vậy, sứ mệnh của tái cấu trúc đầu tư công trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 có rất nhiều việc phải làm. Bởi vì, đầu tư là nguồn gốc của tăng trưởng và tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tái cấu trúc đầu tư công là yếu tố gây ra hiệu ứng mạnh và có tác động thúc đẩy tái cấu trúc đầu tư. Đầu tư công là công cụ điều chỉnh định hướng kinh tế và nó sẽ dẫn dắt các nguồn đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước.

Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy chưa có một văn bản trình chính thức, nhưng hạt nhân của tái cấu trúc đầu tư trong bối cảnh hiện tại là tăng cường siết chặt kỷ cương phân cấp, quy hoạch để nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò đích thực trong việc kích thích các nguồn vốn tư nhân và nước ngoài; đồng thời tăng cường mối liên kết vùng cũng như cả nước.

Thực tế triển khai ra sao?

Tuy chưa có một văn bản chính thức về tái cấu trúc đầu tư công, nhưng trên thực tế, quá trình này mới có những bước chuyển mình “rất nhẹ”.

Tái cấu trúc trong lĩnh vực này được tiến hành “rầm rộ” năm 2011, với yêu cầu cắt giảm đầu tư công trong ngân sách và các dự án của các DNNN. Con số “cắt giảm” đưa ra thật ấn tượng với 67.000 tỷ đồng. Nhưng nhìn lại, thì thực chất các con số đó chỉ là các dự án chưa có nguồn tài trợ ngân sách, và được “cắt bỏ” dễ dàng. Kết quả bội chi cuối năm vẫn rất cao là xung quanh mức 4% GDP.

Sang đến năm 2012, mục tiêu cắt giảm vẫn được theo đuổi cho đến giữa năm. Nhưng từ tháng 7, do tình trạng đình đốn sản xuất kéo dài, và ngày càng trở nên nghiêm trọng, Chính phủ không thể kiên trì với mục tiêu cắt giảm, khi cho ứng trước 30.000 tỷ của ngân sách 2013 để tiêu cho năm nay.

Vào thời điểm này của năm trước, việc ra đời của Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được coi là điểm khởi đầu cho tái cơ cấu đầu tư công. Chỉ thị cũng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ để khắc phục “bệnh” bố trí vốn dàn trải, kém hiệu quả trước đây.

Theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thu hồi vốn.

Về phân cấp đầu tư vẫn theo quy định hiện hành, nhưng có điểm mới đó là quy định rõ trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư.

Việc bố trí vốn cho dự án mới năm 2012 phải bảo đảm tổng số vốn bố trí cho từng dự án (gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A; 20% đối với dự án nhóm B; 35% đối với dự án nhóm C so với tổng vốn đầu tư được duyệt. Đặc biệt, tuân thủ nguyên tắc: không có dự án mới được khởi công.

Tuy nhiên, sau một năm triển khai Chỉ thị, vẫn chưa thấy một văn bản tổng kết nào công bố. Và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, vẫn “nợ” một văn bản chính thức về tái cơ cấu đầu tư công!

Trí An

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên