MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc DNNN: Làm gì để tiến nhanh hơn?

Được cho là đang đi chậm lại, tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang cần được tháo gỡ gì để tiến nhanh hơn và quan trọng là phải làm gì để đạt hiệu quả sau cổ phần hóa.

Cần “mở” hơn với quy định bảo toàn vốn

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trên thế giới không có một nền kinh tế thị trường nào mà DNNN chiếm một tỷ lệ lớn như Việt Nam. Tại Việt Nam, số lượng DNNN đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, khoảng 28% GDP, trong khi ở những quốc gia tiên tiến, tỷ trọng này rất nhỏ dưới 10%. Tuy nhiên trong thời gian gần đây tiến trình cổ phần hóa lại diễn ra chậm chạp. Nếu như ở giai đoạn hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam (2002-2005), số lượng DN cổ phần hóa tăng mạnh và ở mức cao, nhất là thời điểm 2004-2005, bình quân mỗi năm có tới 800 DN được cổ phần hóa, thì trong giai đoạn sau đó, tốc độ cổ phần hóa đã giảm tốc mạnh, đến năm 2007, số lượng phần hóa đạt con số 118 DN và lao dốc xuống chỉ còn 18,7 DN được cổ phần hóa bình quân mỗi năm từ 2008-2010. Năm 2011 con số này nhích lên 60 DN. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, với lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi và điều kiện thoái vốn khó khăn, số lượng DN được cổ phần hóa đã thu hẹp về mức 13 DN năm 2012, thậm chí, theo số liệu của Diễn đàn DN 2013, trong 9 tháng đầu năm 2013, mới chỉ có vỏn vẹn 3 DN Nhà nước được cổ phần hóa. Mặc dù theo một số liệu thống kê khác, năm 2013 đã có 27 DN được CPH nhưng tiến độ này vẫn là chậm so với yêu cầu thực tiễn.

Tiến trình chậm chạp này khiến cho quá trình CPH cần được đẩy nhanh. Để tăng tốc độ CPH DNNN cần tăng tốc việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo lộ trình, trước cuối năm 2015, các DNNN phải thoái hết 22.000 tỷ đồng được xác định là khoản đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên quá trình này đang gặp vướng do yêu cầu về bảo toàn vốn Nhà nước. Quy định này nhằm không thất thoát vốn Nhà nước. Về cơ bản đây là chủ trương đúng nhưng thực tế lại đang làm khó cho lãnh đạo các DN “lỡ” đầu tư ngoài ngành. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cái khó của vấn đề là đa phần khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều vào chứng khoán, bất động sản và ngân hàng- những lĩnh vực hiện nay khả năng thua lỗ là chắc chắn. Do vậy, nếu không tháo gỡ được những bế tắc về vấn đề giá thì việc hoàn thành mục tiêu thoái vốn là không dễ. 

Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia Cao Sĩ Kiêm cho rằng, khi thoái vốn, DN vẫn phải có trách nhiệm bảo toàn vốn, trong khi về nguyên tắc, nếu đưa một lượng lớn cổ phiếu ra bán trong một thời gian ngắn thì thị trường sẽ tạo sức ép phải giảm giá. Nếu DN kiên quyết bảo toàn vốn, chờ mức giá hợp lý mới bán thì quá trình thoái vốn ngoài ngành sẽ rất chậm. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị cần nghiên cứu đưa ra quy định mở đối với vấn đề bảo toàn vốn Nhà nước để tiến trình CPH được thực hiện nhanh hơn.

Minh bạch thông tin

Thoái vốn và CPH- theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) là quan trọng. Tuy nhiên việc lưu thông cổ phần chưa đưa vào giao dịch cũng rất cần thiết đối với tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty Nhà nước. 

Để thực hiện lưu thông cổ phần Nhà nước, TS. Phạm Sỹ Thành đưa ra 6 phương án: Bán trọn gói; Bán cho cổ đông nội bộ; Phương án dành cho quỹ đầu tư; Phương án về quyền lưu thông trong tương lai (đối với cổ phần vẫn bảo lưu); Phương án điều chỉnh tỉ lệ cổ phần; Phương án về phát triển thị trường thứ cấp. Ở phương án bán trọn gói, cách thực hiện được đưa ra là Nhà nước bán 1 tỉ lệ nhất định cổ phần chưa lưu thông, với mức giá thỏa thuận cho các cổ đông hiện thời. Phương án bán cho cổ đông hiện thời, TS. Thành đề nghị Nhà nước vừa thoái vốn vừa cho lưu thông một phần cổ phần bằng cách cổ đông hiện thời lên mạng đấu giá và bán. Phương án này cũng có một cách thực hiện khác là cho lưu thông toàn bộ. Khi đó, Nhà nước thỏa thuận với hãng đấu giá một mức giá sàn và thông báo rộng rãi cho tất cả các nhà đầu tư về khối lượng thoái vốn, khối lượng sẽ lưu thông, cách đấu giá.

Theo các chuyên gia, để tiến trình CPH được thực hiện nhanh nhưng có hiệu quả, cần có nhóm giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu. Đó chính là sự minh bạch thông tin của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước thời kì sau tái cơ cấu. TS. Thành cho rằng, các DNNN sau tái cơ cấu cần áp dụng các chuẩn mực tài chính kế toán của các công ty niêm yết và đây là điều kiện tiên quyết để hướng đến sự CPH thực sự. Các DN cần được kiểm toán bởi các cơ quan, tổ chức kiểm toán độc lập trong nước hoặc quốc tế, đồng thời DN khi công bố thông tin cần dựa theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế và có quy trình và thể chế công bố thông tin cụ thể.

Đưa kiến nghị cụ thể về vấn đề này, TS. Thành cho rằng, cần thiết phải xây dựng Hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả của tập đoàn và tổng công ty Nhà nước. Điểm giá trị của tập đoàn và tổng công ty Nhà nước có thể được tính theo trọng số 30% giá trị của các tiêu chí định tính và 70% giá trị của các tiêu chí định lượng. Căn cứ theo kết quả đánh giá, tập đoàn và tổng công ty Nhà nước sẽ được chia thành 5 hạng: Xuất sắc: 85 điểm trở lên; Tốt: 70-84 điểm; Trung bình: 50-69 điểm; Yếu: 40-49 điểm; Kém: dưới 40 điểm. Hệ chỉ tiêu định lượng để đánh giá gồm: Khả năng sinh lời; Chất lượng tài sản; Mức độ rủi ro về nợ; Tăng trưởng kinh doanh và cuối cùng là tỉ lệ chu chuyển hàng tồn kho, tỉ lệ tích lũy vốn, tỉ lệ tăng trưởng vốn bình quân trong 3 năm. Cũng có chuyên gia đề nghị cần đưa các DN đã CPH lên sàn chứng khoán để minh bạch thông tin. Theo nhận định của các chuyên gia, dù bằng cách nào- xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hay đưa các DN lên sàn chứng khoán, việc minh bạch thông tin vẫn là tiêu chí hàng đầu để đạt được chất lượng của quá trình CHP.

Theo Song Trân

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên