MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ giải quyết phần ngọn

Theo TS Trần Du lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, tái cơ cấu đầu tư công cần gắn liền với mục tiêu an toàn nợ công.

Tái cơ cấu đầu tư công với những điểm cơ bản đã được đặt ra từ cuối năm 2011 nhưng theo TS Trần Du lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, mới chỉ giải quyết được phần ngọn chứ chưa giải quyết được phần gốc.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014, ông Lịch cho rằng cần chỉ rõ nguyên nhân sâu xa gây lãng phí và kém hiệu quả của đầu tư. Đó chính là cơ chế phân cấp đầu tư “theo kiểu khoán trắng” cho địa phương; chính quyền Trung Ương không kiểm soát được phần ngân sách trong phân cấp cho địa phương. Ví dụ điển hình là Bộ Giáo dục chỉ kiểm soát được 2,8% tổng đầu tư cho ngành này.

Ông Lịch đưa ra hàng loạt các giải pháp để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, giải pháp đầu tiên là phải đặt trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, cần làm rõ phạm vi đầu tư công và chức năng đầu tư công để định hướng đầu tư công. Đầu tư của doanh nghiệp nhà nước mang bản chất của đầu tư công. Trong giai đoạn 2001 - 2005 đầu tư công chiếm 53% tổng đầu tư xã hội, trong đó phần đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là 14,9%. Con số tương ứng của giai đoạn 2006 - 2010 lần lượt là: 42,7% và 10,1%; năm 2013 lần lượt là: 29,1% và 8,4%.

Cho rằng tái cơ cấu đầu tư công phải gắn với một chính sách tài chính công tích cực, ông Lịch nhận định trong nhiều năm nữa, Việt Nam còn phải thực hiện chính sách chủ động bội chi ngân sách bằng con đường vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hóa đất nước. Đó là chính sách tài chính công tích cực trong điều kiện tích lũy của nền kinh tế còn thấp, tiết kiệm nội địa chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển bền vững.

Tuy nhiên, phải có chiến lược nợ của Chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng, những điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư, tuân thủ nguyên tắc "phí tổn cơ hội" và tính đồng bộ trong đầu tư, chi tiêu nhà nước thật sự tiết kiệm, cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ...

Trong các năm qua, việc bội chi ngân sách nhà nước chưa thật sự tuân thủ các điều kiện nêu trên và nhiều điều kiện khác nữa, nên chính sách “tài chính công tích cực” đã trở thành nhân tố tiêu cực, có nguy cơ gây bất ổn cho nền tài chính quốc gia. Nếu tiếp tục đầu tư như cách làm trong những năm qua thì hệ quả không chỉ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công, mà còn góp phần gây bất ổn vĩ mô.

Theo ông Lịch, áp lực trả nợ hàng năm đang tăng nhanh và đang có tình trạng vay để đảo nợ. Năm 2014 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là 208.883 tỷ đồng, thì phần cân đối ngân sách chỉ có 118.750 tỷ đồng, phải vay để trả nợ khoảng 90.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng dần trong các năm sau và đây chính là rủi ro đáng lo ngại của nợ công. Vì thế, ông Lịch cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công cần gắn liền với mục tiêu an toàn nợ công.


>>>Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014

Hướng Dương

bachhue

Trở lên trên