Tái cơ cấu DNNN: Thủ tướng nhắc nhiều, doanh nghiệp chần chừ
Lại một lần nữa Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và nêu quyết tâm “đánh” vào những lãnh đạo chậm tiến hành cổ phần hóa.
- 18-02-2014Thủ tướng yêu cầu dứt điểm tái cơ cấu DNNN trong 2014 - 2015
- 18-02-2014Bán DNNN lấy tiền xây sân bay Long Thành
"Phải sốc lại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước"
Tờ VOV đưa tin, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015 diễn ra vào chiều 18/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ cũng như của nền kinh tế trong 2 năm 2014-2015”.
Mặc dù đã ghi nhận kết quả làm được của DNNN thời gian qua song Thủ tướng cũng cho biết, kết quả này chưa tương xứng với nguồn lực, lợi thế và mong muốn. Thủ tướng dẫn chứng, doanh nghiệp nhà nước vốn tín dụng chiếm 60% nhưng đóng góp GDP mới có 30% là thấp. Cùng với đó là sai phạm, vi phạm, kể cả vấn đề đạo đức đã ảnh hưởng không tốt hay số lỗ vẫn còn cao (16%).
“Vì vậy cần phải sốc lại và tái cơ cấu DNNN dù có nguyên nhân khách quan như tình hình kinh tế chung nhưng 3 năm mới sắp xếp 180 DN là còn chậm. Trong đó cổ phần hóa 99 DN, nhưng riêng Bộ GT-VT làm được 44 DN. Nếu bộ, địa phương nào cũng làm được thì tình hình đã khác", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: "Phải sốc lại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước" |
Hơn 4.000 DN đã cổ phần hóa đã phát huy hiệu quả, quản lý vốn chặt chẽ hơn. “Nếu cổ phần hóa sẽ không xảy ra tiêu cực như vừa qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, để đẩy nhanh cổ phần trong 2 năm tới đã phê duyệt 531 DN, đã làm 99, còn 432 DN phải quyết liệt thực hiện. Đồng thời rà soát bổ sung thêm DN cổ phần hóa theo hướng phải làm giảm mạnh số DN mà nhà nước nắm giữ 100% vốn và Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. “Như Bia Sài Gòn mới cổ phần hóa được 7-8% thì là làm cho vui. Cần phải xác định xem có thể bán 60-70% cổ phần nhưng phải giữ được thương hiệu” – Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu quyết tâm “đánh” vào những lãnh đạo chậm tiến hành cổ phần hóa. Theo Thủ tướng, “DN nào không thông, chần chừ thì bộ, địa phương mời họ làm việc khác, chưa nói đến kiểm điểm nặng nề nhưng tuyệt đối không đề bạt cao hơn”.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại phương án, bổ sung phương án theo hướng quyết liệt hơn, giảm bớt DN nhà nước nắm giữ 100% vốn và chiếm vốn chi phối.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng cho rằng mới thoái 4.000 tỷ trên 17.000 tỷ cần tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào lĩnh vực chính. Ví dụ như điện lực đầu tư ngân hàng, bảo hiểm thì chuyển sang SCIC để tập trung đầu tư vào điện. Hay ngân hàng hợp nhất thì chuyển sang ngân hàng mạnh.
“Rút lui phải có trật tự, chứ không phải bỏ chạy tán loạn. Mà việc đầu tư ngoài ngành trước đây là không sai, là chủ trương của Đảng nhà nước, nhưng đi vào thực tế không hợp lý thì điều chỉnh”, Thủ tướng nói.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 24/12/2013 Thủ tướng đã từng khẳng định năm 2014 dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sau khi các đề án đã được phê duyệt xong.
Thủ tướng yêu cầu thoái vốn Nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ. "Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, lần này phải kiên quyết. Muốn có kinh tế thị trường phải đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu rõ chủ trương sẽ bán hết cổ phần đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng phải có lộ trình cụ thể, không phải bán tràn lan để sơ hở thất thoát tài sản nhà nước.
DNNN vẫn muốn nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối
Đại diện Vicem cho biết, do ximăng là ngành có đặc thù nên việc “Nhà nước vẫn giữ tỉ lệ chi phối sau cổ phần hóa là điều đương nhiên |
Mặc dù Thủ tướng liên tiếp có nhiều chỉ đạo quyết liệt liên quan tới việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu thay lãnh đạo nếu không chịu cổ phần hóa, yêu cầu thoái vốn nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ song nhiều lãnh đạo DNNN mặc dù khẳng định sẽ thực hiện lộ trình cổ phần hóa nhưng vẫn bày tỏ mong muốn nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Thông tin trên Tuổi trẻ, ông Trần Sơn Châu, Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho biết, đã cổ phần hóa xong 6 đơn vị phụ trợ thành viên và sẽ thực hiện ngay việc cổ phần hóa Vinataba nếu Chính phủ có quyết định. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng với đặc thù của ngành nghề mình, việc “Nhà nước nắm giữ tỉ lệ chi phối trên 50% là điều chắc chắn”.
Còn theo đại diện Vicem, do ximăng là ngành có đặc thù nên việc “Nhà nước vẫn giữ tỉ lệ chi phối sau cổ phần hóa là điều đương nhiên, vì hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dòm ngó thị trường ximăng VN, nếu không giữ tỉ lệ chi phối thì thị trường sẽ rơi vào tay họ”.
Theo Hà Anh