MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao có sự chênh lệch lớn giữa lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế?

Có hai nguyên nhân mà tất cả mọi người đều nghĩ đến trước tiên, đó là năng lực dự báo lạm phát của chúng ta còn thấp bên cạnh sự sụt giảm của giá dầu. Tuy nhiên theo TS Nguyễn Đức Độ, các lý giải này là hoàn toàn hợp lý, nhưng không đủ. Năng lực dự báo và giá dầu chỉ là phần nổi của tảng băng.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Vừa qua, Quốc Hội đã đưa ra “đề nghị Chính phủ đánh giá thực chất hơn về chỉ số CPI”. Lý do là giữa con số mục tiêu và con số thực tế của năm 2014 có sự chênh lệch quá lớn. Điều này đã ảnh hưởng đến “kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân và tâm lý xã hội, tâm lý thị trường”. Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

Theo ông, tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy giữa con số mục tiêu và con số thực tế?

Có hai nguyên nhân mà tất cả mọi người đều nghĩ đến trước tiên, đó là năng lực dự báo lạm phát của chúng ta còn thấp, đồng thời sự sụt giảm của giá dầu trên thế giới là yếu tố khó có thể lường trước. Các lý giải này là hoàn toàn hợp lý, nhưng không đủ. Năng lực dự báo và giá dầu chỉ là phần nổi của tảng băng.

Đâu là phần chìm của tảng băng, thưa ông?

Phần chìm của tảng băng chính là “cách thức giao nhiệm vụ” của Quốc Hội.

Mục tiêu lạm phát cho mỗi năm được Quốc Hội thông qua trên cơ sở đề xuất của các cơ quan hoạch định chính sách. Mức lạm phát này sau đó trở thành định hướng cho việc thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm, đồng thời cũng là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và trước hết là NHNN.

Tuy nhiên, điều đáng nói là do chúng ta đã trải qua một giai đoạn lạm phát cao, nên tiêu chí “hoàn thành vượt mức kế hoạch” mặc nhiên đồng nghĩa với việc đạt được mức lạm phát thực tế thấp hơn mức lạm phát mục tiêu. Cách đánh giá này có thể đã tạo nên khuyên khích để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra con số lạm phát mục tiêu ở mức cao, và do đó xác suất hoàn thành nhiệm vụ cũng sẽ cao hơn.

Chẳng hạn, nếu như các mô hình dự báo lạm phát đưa ra con số cho năm 2014 là 5%, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chẳng dại gì đề xuất mức lạm phát mục tiêu là 5%. Thay vào đó, đề xuất mức 7% sẽ “dễ thở” hơn.

Như vậy, nếu mức lạm phát mục tiêu được đưa ra cho năm 2014 đúng bằng con số dự báo là 5%, mức chênh lệch giữa lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế năm 2014 sẽ chỉ còn 3,16% (mức lạm phát thực tế năm 2014 là 1,84%).

Theo ông, Quốc Hội nên giao nhiệm vụ thế nào?

Trước tiên, Quốc Hội cần xác định được đâu là mô hình dự báo lạm phát đáng tin cậy nhất vào thời điểm hiện tại. Điều này có thể đạt được với sự trợ giúp của các chuyên gia.

Sau đó, Quốc Hội lấy con số dự báo của mô hình này (hoặc mức trung bình của một số mô hình có độ tin cậy cao) làm mức lạm phát mục tiêu.

Tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ được xác định trên cơ sở sai số chuẩn của các mô hình dự báo (hoặc các mô hình hoạch định chính sách).

Chẳng hạn, nếu các mô hình đưa ra con số 3% cho năm 2015 với sai số chuẩn là +/- 2%, thì tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ sẽ là giữ mức lạm phát thực tế trong khoảng 1-5%. Cách thức giao nhiệm vụ này sẽ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất mức lạm phát mục tiêu đúng như con số mà các mô hình đưa ra, cũng như nỗ lực để đạt được mục tiêu này. Mức chênh lệch giữa lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế, nhờ đó, sẽ được thu hẹp.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nhi (thực hiện)

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên