"Tại sao dân mình cứ mãi ly hương?"
Tính đến 31.8.2013, tổng số lao động nước ngoài tại thị trường này là 469.199 người, riêng ngành sản xuất là 248.754 người, trong đó lao động Việt Nam có tổng số 116.224 người.
“Chín năm nơi xứ người rồi. Chỉ cách hơn một giờ bay mà cứ phải ba năm mới có một lần về. Con cái phải gửi ông bà, nhớ cũng đành chịu. May mà còn có tiền gửi về cho con đi học”… anh Nam, quê Hải Phòng, sang Đài Loan để làm công nhân, tâm sự.
Đường đến xứ Đài Chiều cuối năm, sân bay Đào Viên chìm trong giá rét. Đẩy vội chiếc va li lớn, anh Nam hối vợ khẩn trương vào khu vực kiểm tra trước khi lên máy bay. Xung quanh vợ chồng anh là tiếng gọi nhau í ới bằng tiếng Việt với đủ giọng Bắc, Trung, Nam.
Họ là những lao động Việt Nam tại Đài Loan về nước thăm nhà vào dịp cuối năm. Có người về luôn có người về để gia hạn visa rồi tiếp tục quay trở lại làm việc.
Anh Nam kể, quê anh ở Hải Phòng. Hơn chục năm trước, lập gia đình xong thì kinh tế khó khăn. Những đứa con lần lượt ra đời càng khiến chi tiêu trong gia đình trở thành gánh nặng.
Lúc ấy, dù chưa biết Đài Loan thế nào, nhưng nếu đỡ vất vả hơn quê nhà là được. Anh suy nghĩ mấy hôm rồi bàn với vợ. Hai vợ chồng quyết định tha hương, để con lại ông bà chăm giúp.
“Nói đơn giản vậy, chứ gạt nước mắt mà đi vì con còn nhỏ quá. Thấy con người ta lúc nào cũng đuợc bố mẹ bên cạnh, còn con mình vì khó khăn mà bố mẹ phải li hương, tha phương cầu thực mà nghẹn lòng.” Anh Nam, nói.
Trước đó, chúng tôi tình cờ nhặt được một tấm hộ chiếu Việt Nam ngay ở băng chuyền máy soi hành lý. Người đồng nghiệp đi cùng vội la to bằng tiếng Việt: "Ai để quên hộ chiếu". Người "lơ đễnh" đó là chị Trần Thị Siêng, vợ anh Nam.
Tất cả lao động Việt Nam khi chọn ra nước ngoài đều hi vọng mình có thể đổi đời. Đường đến Đài Loan của anh chị đã chứng minh, cuộc đời của gia đình nghèo ở đất Hải Phòng đã đổi thay: Kinh tế khá hơn nhưng dai dẳng theo đó nỗi thương quê và cám cảnh cô đơn ở xứ người...
Về rồi lại sang
“Ở Đài Loan, vợ chồng tôi làm hãng sợi. Mỗi tháng trừ hết chi phí, mỗi người chúng tôi còn được khoảng 29 ngàn Đài tệ, khoảng 1.000 USD (21 triệu đồng), để gửi về nhà. Công ty có kí túc xá cho công nhân ở nhưng nam và nữ không được ở chung. Thành ra, suốt chín năm trên đất Đài Loan, vợ chồng tôi không có ngày nào ở bên nhau như gia đình”. Anh Nam nói.
Chấp nhận sự thiếu hụt về tình cảm, những lúc muốn không khí riêng tư, hâm nóng chuyện vợ chồng, anh chị tận dụng ngày nghỉ tìm đến khách sạn.
Những cặp vợ chồng ly hương như anh Nam - chị Siêng không phải là trường hợp hiếm hoi trên đất Đài Loan. Trong chuyến công tác của chúng tôi ở nơi này, không ít lần gặp gỡ những đồng hương đang làm ăn buôn bán tại đây.
Trong một quán ăn nhỏ nằm sâu trong con hẻm của Đài Bắc nhộn nhịp, thấy hai người chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Việt, người chủ quán tiến tới hỏi: "Các anh ở Việt Nam mới sang?".
Chị Thanh, quê ở Vĩnh Long, lập gia đình với một người Đài Loan và theo chồng sang xứ này đã hơn 10 năm. Trái với định kiến của chúng tôi về cô dâu Việt, chị Thanh và chồng có một cuộc sống hạnh phúc với cái quán ăn nhỏ này.
"Đi xa thì nhớ nhưng ở quê thì biết làm gì ăn hả các anh?", mời chúng tôi chai bia Đài Loan rồi chị trò chuyện "Qua đây còn làm ăn kiếm được chút tiền gửi về quê đỡ đần cha mẹ, nuôi mấy đứa em đi học. Ngày xưa nhà nghèo có được ăn học gì mấy, ở quê nhà làm ruộng biết khi nào ngẩng mặt lên được".
Trước đây, trên những chuyến bay đi hoặc bay về, đôi khi chúng tôi quá cảnh ở sân bay Đào Viên. Hình ảnh làm những người đi xa như chúng tôi nhớ mãi là những cô gái trẻ ăn mặc diêm dúa, có người dẫn theo con, ngồi túm tụm trò chuyện vui vẻ đợi đến giờ về nhà.
Những chuyến bay về nhà đó, có khi chẳng khác mấy một chuyến xe đò đi Rạch Giá, Sa Đéc, Cần Thơ... vì đầy ắp chất giọng miền Tây rặt "cá gô", có thiếu chăng là một vài đoạn vọng cổ trên loa phát thanh.
"Đi xa thì nhớ nhưng ở quê thì biết làm gì ăn hả các anh?", mời chúng tôi chai bia Đài Loan rồi chị trò chuyện "Qua đây còn làm ăn kiếm được chút tiền gửi về quê đỡ đần cha mẹ, nuôi mấy đứa em đi học. Ngày xưa nhà nghèo có được ăn học gì mấy, ở quê nhà làm ruộng biết khi nào ngẩng mặt lên được".
Trước đây, trên những chuyến bay đi hoặc bay về, đôi khi chúng tôi quá cảnh ở sân bay Đào Viên. Hình ảnh làm những người đi xa như chúng tôi nhớ mãi là những cô gái trẻ ăn mặc diêm dúa, có người dẫn theo con, ngồi túm tụm trò chuyện vui vẻ đợi đến giờ về nhà.
Những chuyến bay về nhà đó, có khi chẳng khác mấy một chuyến xe đò đi Rạch Giá, Sa Đéc, Cần Thơ... vì đầy ắp chất giọng miền Tây rặt "cá gô", có thiếu chăng là một vài đoạn vọng cổ trên loa phát thanh.
Ngập ngừng thật lâu trước cửa hàng miễn thuế trong sân bay, cô gái trẻ quê Thanh Hóa, N.T. Hồng quyết định mua cho bố chai rượu tây để làm quà trong những ngày vắng con.
“Tất cả công nhân như chúng tôi thường chọn mốc ba năm về một lần vì đây là thời điểm hết hạn lao động. Sau khi làm xong thủ tục thì chúng tôi lại sang Đài Loan. Ở quê nhà không làm ra tiền. Bên này, nếu chịu khó thì dư sức nuôi ba mẹ và mấy đứa em đi học.” Hồng cho biết.
Theo tìm hiểu, hiện nay lao động Việt Nam ở Đài Loan có thu nhập khoảng gần 1000 USD/ người, sau khi đã trừ hết mọi chi phí. Đây là phần thu nhập hấp dẫn nên thị trường lao động Đài Loan rất được người Việt Nam ưa chuộng.
“Nếu chịu khó tăng ca, làm giỏi thì thu nhập ấy có thể cao hơn. Nhưng bù lại, công nhân không có thời gian thư giãn hay đi chơi". Huế, một lao động quê Nam Định cho biết.
Anh Nam, chị Siêng, Hồng, Huế, chị Thanh... có người sang đây đã 3 năm, có người ở đã 9 năm nhưng Đài Bắc trong họ là quãng đường vài trăm mét từ xưởng làm về đến ký túc xá. Không một ai trong số họ biết làm thế nào để bắt một chuyến tàu điện ngầm hay chuyến xe buýt để đi xa hơn những nơi đó.
"Tụi em làm việc tăng ca 12 tiếng/ngày, làm luôn ngày nghỉ để kiếm thêm tiền gửi về nhà. Làm gì có thời gian đi chơi chỗ nào hả anh?" Huế, cô gái Nam Định, trả lời chúng tôi "Có rảnh rỗi thì tập trung lại nấu nướng ăn uống rồi về ngủ để lấy sức đi làm tiếp ngày mai."
Có ai đâu muốn phải ly hương, những ngày lang thang ở xứ Đài, câu hỏi mà chúng tôi cứ đau đáu mỗi khi nhìn người, nghĩ mình đó là: "Tại sao dân mình cứ mãi ly hương?"
Tính đến 31.8.2013, tổng số lao động nước ngoài tại thị trường này là 469.199 người, riêng ngành sản xuất là 248.754 người, trong đó lao động Việt Nam có tổng số 116.224 người, chiếm 24,7%, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (94.960 người), đứng thứ nhì về tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan (chỉ sau Indonesia với 205.513 lao động), sếp trên nhiều so với Philipin (84.741 lao động) và Thái Lan (62.717 lao động). (Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Đài Loan) |
Theo Thanh Nhã – Trung Bảo