MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng chi đầu tư: Tín hiệu tốt trong cân đối ngân sách

Ngày 7-3, tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận đã có nhiều tín hiệu tốt về công tác thu, chi ngân sách Nhà nước.

Đáp ứng nhiệm vụ chi

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với quyết tâm hoàn thành đến mức cao nhất nhiệm vụ thu nội địa đề bù đắp cho số giảm thu từ dầu thô do giá dầu giảm, đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương, trong các tháng cuối năm 2015, ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh từ hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tập trung đôn đốc xử lý nợ đọng thuế và các khoản kiến nghị truy thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Nhờ đó, dự toán thu là 638,6 nghìn tỷ đồng; báo cáo Quốc hội ước đạt 687 nghìn tỷ đồng nhưng kết quả thực hiện đạt 740 nghìn tỷ đồng, tăng 101,46 nghìn tỷ đồng (tương đương 15,9%) so với dự toán và tăng 53 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

“Với kết quả này, chúng ta không phải sử dụng đến 10 nghìn tỷ đồng bán cổ phần của Nhà nước tại doanh nghiệp đã được Quốc hội cho phép theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 mà còn có khoản dôi ra. Đây là tín hiệu rất tốt”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, sự phục hồi của thị trường bất động sản cả nước nói chung và tại một số đô thị lớn nói riêng (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...) trong năm 2015 là điều kiện quan trọng để các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã đưa vào quản lý qua NSNN 6,6 nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất của các đơn vị thuộc các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường...

“Nhờ vậy, trong 3 tháng cuối năm đã thu vào NSNN gần 26,2 nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất, bằng 63,3% số thu 9 tháng đầu năm, góp phần đưa số thu tiền sử dụng đất cả năm đạt 67,55 nghìn tỷ đồng, tăng 28,55 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 10,55 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Như vậy, không kể thu tiền sử dụng đất, thu nội địa trừ đất đạt 672,5 nghìn tỷ đồng, tăng 72,9 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 12,2%) so với dự toán, tăng 42,5 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, hầu hết các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều vượt dự toán và cao hơn báo cáo Quốc hội”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhằm đảm bảo cân đối NSNN trong điều kiện giá dầu thô giảm, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi thường xuyên, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn và ứng trước dự toán NSNN năm sau, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc tạm giữ lại tại Kho bạc Nhà nước 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách. Điều hành quản lý chặt chẽ và thực hiện tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.

Nhờ đó, tổng chi NSNN năm 2015 đạt 1.262,87 nghìn tỷ đồng, bằng 110,1% (tăng 115,77 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đầu năm, bằng 107,3% dự toán điều chỉnh, tăng 99,37 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Trong đó, chi đầu tư phát triển dự toán đầu năm là 195 nghìn tỷ đồng; báo cáo Quốc hội ước đạt 203,2 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện ước đạt 236,8 nghìn tỷ đồng, bằng 121,5% (tăng 41,8 nghìn tỷ đồng) so dự toán đầu năm, bằng 105,3% dự toán điều chỉnh, tăng 33,6 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, chủ yếu do bổ sung vốn từ nguồn tăng giải ngân vốn ODA theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng 30 nghìn tỷ đồng).

Đến hết ngày 31-1-2016, vốn đầu tư XDCB giải ngân đạt khoảng 85% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ tỷ lệ giải ngân đạt thấp (83,1% kế hoạch); số vốn kế hoạch còn lại (cả nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ) được giải ngân đến hết năm 2016 theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong quá trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã tăng cường công tác kiểm soát chi, qua đó phát hiện, từ chối thanh toán đối với nhiều trường hợp không đủ hồ sơ thủ tục, chưa có dự toán được duyệt.

Chi trả nợ và viện trợ, dự toán 150 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 150 nghìn tỷ đồng, kết quả thực hiện đạt 150 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán và báo cáo Quốc hội, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết. Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính với dự toán 777 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 789,6 nghìn tỷ đồng, kết quả thực hiện đạt 790,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1 nghìn tỷ đồng (1,7%) so với dự toán, tăng 528 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, đảm bảo các nhu cầu chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định và xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh.

Điều hành ngân sách như đi trên dây

“Điều hành ngân sách hiện nay như đang đi trên dây. Bởi trong bối cảnh hiện nay, sản xuất kinh doanh trong nước tuy đã phục hồi rõ nét hơn nhưng thị trường tài chính, thị trường bất động sản hồi phục chưa mạnh, giá dầu giảm mạnh dẫn đến giảm thu ngân sách Trung ương rất lớn. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ lo lắng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, với tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi NSNN vẫn ở mức cao. Vì vậy cân đối NSNN ngày càng khó khăn là tất yếu.

“Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với phương án mà Bộ Tài chính đưa ra để trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước chưa sử dụng này sang năm 2016 để có nguồn thực hiện điều chỉnh chuẩn nghèo”- ông Phùng Quốc Hiển nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thu NSNN đã giảm bớt yếu tố phụ thuộc bên ngoài, tỷ trọng thu nội địa có xu hướng tăng ổn định (năm 2015, thu nội địa đạt khoảng 74,2% tổng thu NSNN). Song tỷ lệ huy động vào NSNN từ GDP trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhanh so với giai đoạn trước, do vậy, cần lưu ý để có biện pháp kịp thời, giữ mức thu ổn định để bảo đảm cân đối NSNN trong 5 năm tiếp theo.

“Với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư (PPP) và việc giảm sử dụng vốn vay ODA để cấp phát, tăng mức cho vay lại được xem là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, cần có biện pháp hiệu quả hơn để huy động các nguồn vốn ngoài NSNN đi đôi với việc tăng cường quản lý các dự án chi đầu tư phát triển từ nguồn PPP và dự án sử dụng vốn vay ODA, dự án BOT, vừa nâng cao hiệu quả, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tránh những hệ lụy về mặt kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống dân cư và cân đối NSNN”- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kiến nghị.

Năm 2015, cơ quan Thuế đã thu khoảng 2 nghìn tỷ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và kết luận thanh tra của cơ quan chức năng; Kiểm tra, rà soát đôn đốc thu thêm vào NSNN trên 14,3 nghìn tỷ đồng từ cổ tức được chia của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối và lợi nhuận còn lại phát sinh của các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp,....;

Phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao rà soát, xác định số thu và nhiệm vụ chi từ nguồn thu lệ phí visa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, qua đó thu vào NSNN 59,3 triệu USD (tương đương 1,29 nghìn tỷ đồng); Phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan của địa phương để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, trên cơ sở đó thu kịp thời một số khoản thu phát sinh như: khoản thu chuyển nhượng vốn của Công ty TNHH Metro Cash & Carry 1,9 nghìn tỷ đồng; thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn của Công ty Formosa Hà Tĩnh gần 1 nghìn tỷ đồng...

Theo Thu Hằng

Báo Hải Quan

Trở lên trên