MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng phí các trạm BOT tác động không đáng kể đến chi phí lưu thông và lạm phát

Theo Bộ Tài chính, việc tăng mức phí tại các trạm BOT là đúng với lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí 3 năm một lần đã được Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư tính toán và cam kết để đảm bảo hoàn vốn cho các nhà đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có sự đầu tư tích cực, song vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Đặc biệt trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, việc xã hội hóa đầu tư hay kêu gọi tư nhân đầu tư vào phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương đã được xác định trong các văn kiện của Đảng.

Theo đó, việc thu hút đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO) được khuyến khích để có thêm nguồn vốn từ xã hội cho xây dựng hạ tầng giao thông, trên cơ sở có chính sách thu phí sử dụng đường bộ.

Với chủ trương, chính sách trên, trong những năm qua đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ, với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, đã đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường bộ, trong đó có khoảng 700 km đường cao tốc (như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây...), các cầu quy mô lớn (như cầu cổ Chiên, cầu Rạch Miễu...),...

Do đó, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010 (năm 2012, Việt Nam đứng vị trí thứ 90, năm 2010 - đứng vị trí thứ 103).

"Hình thức đầu tư BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), không làm tăng nợ công trong điều kiện nợ công đang ở mức cao như hiện nay, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân..." Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Việc cho các nhà đầu tư BOT tham gia vào xây dựng các dự án, cũng giúp rút ngắn thời gian và chi phí lưu thông. Đơn cử như với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí;...

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế thì cần tính đến hiệu quả của nhà đầu tư, trên cơ sở đưa ra mức thu phí cụ thể của từng dự án, cũng như lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí, cũng như không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải và thu nhập của người dân.

Bộ Tài chính cho biết, tùy theo từng dự án, Bộ Giao thông vận tải và Nhà đầu tư đã tính toán và cam kết lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí 3 năm 1 lần; mức tăng có dự án 9%, có dự án 15%, một số dự án ở mức 18%. Lộ trình điều chỉnh tăng mức phí căn cứ các yếu tố như: chi phí duy tu, bảo trì hàng năm, trung tu định kỳ 5 năm/1 lần, đại tu định kỳ 12 năm/1 lần; biến động chỉ số giá;...

Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo nguyên tắc lợi ích mang lại cho người sử dụng phải lớn hơn nhiều so với mức phí mà tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp. Đối với một số dự án đặc thù có lợi ích mang lại nhỏ hơn chi phí, Nhà nước đều hỗ trợ ngân sách để đầu tư một phần đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, dư luận rất quan ngại về khả năng từ năm 2016, hàng loạt các trạm thu phí Dự án ODA rục rịch tăng mức giá thu phí 20% đến 30% (như các Trạm thu phí trên QL5; Trạm Cầu Rác QL1 thuộc địa phận Hà Tĩnh; Trạm thu phí Bắc Hầm Hải Vân QL1 địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế; Trạm thu phí Mỹ Lộc tỉnh Nam Định;...), và từ năm 2017 trở đi, cứ 3 năm sẽ lại điều chỉnh tăng mức thu phí một lần với mức tăng 18% so với mức đang áp dụng.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, nếu tỷ lệ tăng này mà áp dụng cho hết 19 Trạm thu phí trên hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội bằng đường bộ, cũng như tất cả 45 trạm thu phí đang thu và 51 trạm sẽ thu phí Dự án BOT đã ký, thì chi phí vận chuyển đường bộ và giá cả hàng hóa dịch vụ xã hội chắc chắn sẽ chịu áp lực tăng rất mạnh, khiến cho kỳ vọng kiểm soát lạm phát chung cả nước sẽ khó đạt được như yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Trước vấn đề được Đại biểu nêu ra, Bộ Tài chính cho rằng việc tác động đến chi phí lưu thông, lạm phát là gần như không có hoặc không đáng kể. Theo đó, theo Thông tư số 159 của Bộ Tài chính thì cứ định kỳ 3 năm, kể từ năm 2016 trở đi căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu phí quy định tại Thông tư này bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên