MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng so với tháng 6, PMI tháng 7 vẫn dưới ngưỡng 50 điểm

Đáng lo hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất là tình trạng giá cả đầu vào tiếp tục tăng. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp, giá đầu vào được ghi nhận tăng với lý do nguồn cung bị hạn chế.

Ngân hàng HSBC công bố thống kê chỉ số PMI tháng 7 đạt 48,5 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang có dấu hiệu bị thu hẹp.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 7 mặc dù với tốc độ chậm hơn. Điều này có được nhờ sản lượng và số lượng đơn đặt hàng giảm ít hơn, việc làm không có thay đổi. Cần nhớ, PMI là chỉ số được tính dựa trên các chỉ tiêu: Đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tồn kho các mặt hàng đã mua theo các trọng số khác nhau cho mỗi chỉ tiêu. 

Biên lợi nhuận vẫn chịu áp lực khi giá xuất xưởng tiếp tục giảm, nhưng giá đầu vào lại tăng nhanh hơn. Được biết, PMI tháng 6 chỉ ở mức 46,4 điểm, thấp hơn 2 điểm so với tháng 7 vừa qua.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, công việc tồn đọng trong tháng 7 nhờ vậy cũng giảm nhanh thứ nhì trong lịch sử khảo sát. Điều này không khó hình dung khi các công ty có thể nhân cơ hội nhu cầu đang yếu để giải quyết nốt các hợp đồng hiện có.

Hiện hàng tồn kho đã tăng trong 2 tháng liên tiếp do sản lượng dư thừa được chuyển thành. Giá cả đầu ra cũng tiếp tục bị giảm trong tháng 7, và là tháng thứ 4 liên tiếp chứng kiến mức giá trung bình giảm. Đương nhiên, việc giảm giá đầu ra một phần thúc đẩy việc giải phóng hàng tồn tại các nhà máy.

Đáng lo hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất là tình trạng giá cả đầu vào tiếp tục tăng. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp, giá đầu vào được ghi nhận tăng với lý do nguồn cung bị hạn chế.

Đầu tháng 8, một loạt giá cả hàng hóa cơ bản như điện, gas...bắt đầu tăng. Điều này một lần nữa sẽ gây sức ép giá cả đầu vào lên các doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Bình luận về số liệu PMI vừa công bố, chuyên viên HSBC cho rằng, hoạt động sản xuất ở Việt Nam tiếp tục suy giảm do các điều kiện yếu kém cả ở trong nước và nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới sụt giảm chủ yếu là do mức cầu yếu từ Trung Quốc. Các điều kiện bên ngoài có thể sẽ được cải thiện trong quý 4 khi nhu cầu ở Mỹ, Nhật, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc có thể sẽ phục hồi. 

Ngân hàng Nhà nước hiện vừa giảm lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 50 điểm để làm dịu tình hình thanh khoản. Tuy nhiên, điều đó dường như chỉ là giải pháp tạm thời khi mà vẫn cần thực hiện những cải cách căn bản để giải quyết những khó khăn về tín dụng ở Việt Nam, chuyên gia HSBC bày tỏ. 




Minh Thư


thunm

HSBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên