MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng thuế tài nguyên: Ngành khai khoáng sẽ đi về đâu?

Việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác khoáng sản, khiến DN chỉ tập trung khai thác phần quặng giầu, bỏ lại quặng nghèo, gây lãng phí tài nguyên; đi kèm với rất nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội – môi trường...

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về biểu mức thuế suất thuế tài nguyên do VCCI tổ chức sáng 8/9, ông Vũ Hồng – Phó TGĐ Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho biết, việc đề xuất tăng thuế suất thuế tài nguyên lần này đã gây ra rất nhiều quan ngại và có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực chưa lường hết được.

Cụ thể, theo ông Hồng, việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác khoáng sản, khiến DN chỉ tập trung khai thác phần quặng giầu, bỏ lại quặng nghèo, gây lãng phí tài nguyên; đi kèm với rất nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội – môi trường.

Ông Hồng dẫn chứng, gánh nặng chi phí thuế (chưa bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp) của công ty Núi Pháo sẽ lên tới 30% chi phí hoạt động trực tiếp, trong đó trên 50% là thuế tài nguyên.

“Tăng thuế chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp; gây tăng giá trên thị trường khoáng sản. Từ đó kích thích khai thác trái phép; đi ngược lại chủ trương quản lý hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường” – Lãnh đạo Công ty Núi Pháo cho biết.

Theo ông Hồng, tăng thuế suất có thể làm tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng lại làm giảm thu ngân sách trong dài hạn, do tổng lượng khai thác giảm, ảnh hưởng tới các khoản thu về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế TNDN… do tổng sản lượng khai thác có lãi giảm xuống, sản lượng đầu ra và tuổi đời mỏ giảm.

Bên cạnh đó, chính sách thuế thay đổi liên tục trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt là từ năm 2008 chính sách thuế, phí đối với DN khoáng sản của Việt Nam đã thay đổi nhiều. Việc tăng thuế suất thuế tài nguyên cùng với việc phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ gây ra tác động kép đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Điều này sẽ gây mất ổn định môi trường kinh doanh của Việt Nam, khiến các DN không muốn đầu tư sâu vào chế biến khoáng sản mà chỉ tập trung vào khai thác nhỏ lẻ, bán khoáng sản thô và đi ngược lại với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài ra việc thay đổi chính sách thuế cần đảm bảo tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào các địa bàn khó khăn.

Với sức ép về cắt giảm chi phí do hậu quả của việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động, không khuyến khích được các chuyên gia giỏi.

Theo thống kê số liệu các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước có nền công nghiệp khoáng sản tương tự, Việt Nam là nước có khung thuế suất tài nguyên cao trên thế giới.

Trong khi Trung Quốc là nước khai thác khoáng sản hàng đầu thế giới nhưng có mức thuế suất khoáng sản chỉ từ 5-10%, ở Australia thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại dao động từ 1,6-7,5%.

Ông Hồng cũng cho biết, việc tăng thuế tài nguyên để bù đắp thuế xuất khẩu khoáng sản giảm và các dòng thuế bị xóa bỏ từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán là không hợp lý. Thêm vào đó, việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên cần được cân nhắc trong bối cảnh giá khoáng sản trên thị trường thế giới không ổn định.

Ngoài công cụ thuế xuất khẩu khoáng sản, Việt Nam vẫn đang tiếp tục áp dụng rào cản kỹ thuật cấm xuất khẩu khoáng sản nếu chưa đảm bảo chất lượng trên hàm lượng sản phẩm (tỷ lệ chế biến sâu). Như vậy, Chính phủ vẫn có sự lựa chọn khác thay vì nâng thuế suất thuế tài nguyên.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội cân nhắc không tăng thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản; mà tập trung vào các biện pháp chống khai thác trái phép, thực thi các quy chuẩn về an toàn công nghệ khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường và các chính sách về quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản” – ông Vũ Hồng kiến nghị.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên