MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tuổi hưu: Thất nghiệp gia tăng, không lường được hậu quả!

"Tăng tuổi hưu sẽ khiến thất nghiệp tăng, gây ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế xã hội".

PGS. TS Nguyễn Văn Định - Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phân tích.

PV:- Thưa ông, Bộ LĐTB&XH vừa lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật BHXH, theo đó sẽ đề xuất tăng tuổi hưu, giảm lương hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Quan điểm của ông trước đề xuất này?

PGS. TS Nguyễn Văn Định: Trong điều kiện tốc độ già hóa dân số như hiện nay, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là cần phải tính đến. Tuy nhiên, tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm hiện nay theo tôi là chưa nên, bởi vì:

+ Thứ nhất, nếu tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này, Quỹ BHXH ít nhiều sẽ được cải thiện nhưng lại đối diện với nguy cơ thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, một bộ phận viên chức cao tuổi, lại càng cao tuổi hơn (vì tăng tuổi nghỉ hưu) làm việc không hiệu quả.

Có 5 lý do chưa nên tăng tuổi hưu lúc này
Có 5 lý do chưa nên tăng tuổi hưu lúc này

+ Thứ hai, theo quy định của pháp luật BHXH, tuổi nghỉ hưu hiện nay của nữ là 55, nam là 60, nhưng thực tế, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam hiện nay tính bình quân chỉ xấp xỉ khoảng 55 tuổi đối với nam và khoảng 52 tuổi đối với nữ. Cho nên, không nên tăng tuổi nghỉ hưu vào lúc này.

+ Thứ ba, nếu tăng tuổi nghỉ hưu vào bất cứ thời điểm nào, cũng cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, mang tính tổng thể. Tuổi nghỉ hưu còn liên quan cả đến Luật lao động, luật sĩ quan quân đội, luật sĩ quan công an nhân dân. Bởi vậy, nếu quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, cần có sự phối hợp nghiên cứu tổng thể trước khi trình Quốc hội.

+Thứ tư, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, trong điều kiện tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng, nền kinh tế bị khủng hoảng, thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu.

+ Thứ năm, đại đa số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản…) không muốn tăng tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện tại của Pháp luật.

PV: Như vậy, ông có kỳ vọng vào hiệu quả mà dự thảo sẽ đem lại, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Văn Định: Kỳ vọng mà dự thảo này đem lại là, trước mắt, số thu của BHXH sẽ tăng và ngược lại, số chi cho những người về hưu sẽ giảm. Từ đó, ít nhiều góp phần đảm bảo cân đối quỹ.

Tuy nhiên, những hạn chế ở đây là: tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng so với hiện nay, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định kinh tế xã hội. Điều này không thể lường trước được và không lượng hóa được bằng tiền.

Đồng thời, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, lao động trẻ ít cơ hội làm việc, lao động già gia tăng, làm cho lực lượng lao động nói chung của cả nước bị già cỗi, ít sáng tạo, hiệu quả công việc không cao.

PV: Tăng tuổi hưu trong bối cảnh về hưu sớm (không đúng tuổi quy định như đã nói ở trên), ít nhiều không giảm được biên chế, từ đó cũng đồng nghĩa với việc quỹ lương hưu phải chi không giảm được bao nhiêu. Vậy, theo ông, dự thảo có đạt được mục đích?

TS Nguyễn Văn Định: Chỉ đạt được một phần của mục đích, đó là: chỉ kéo dài thời gian vỡ quỹ lâu hơn.

PV: Như vậy, chẳng phải mục đích tránh vỡ quỹ không đạt được, người đóng bảo hiểm bị thiệt, nền kinh tế đứng trước nhiều bất ổn như ông đã trình bày ở trên. Vậy phải xem xét vai trò quản lý trong trường hợp này như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Văn Định: Theo tôi, trong lúc này cần phải tập trung vào công tác quản lý:

+ Quản lý đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quản lý đối tượng thụ hưởng BHXH bắt buộc, tăng cường các biện pháp xử lý những trường hợp trục lợi BHXH, tìm giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, còn phải xem xét lại cách thức xác định mức trợ cấp hưu trí đối với những người về hưu trước tuổi để từ đó góp phần tiết kiệm chi.

+ Đầu tư có hiệu quả quỹ BHXH nhàn rỗi (bởi vì: Năm 2008, tôi được biết tổng quỹ bảo hiểm nhàn rỗi đem đầu tư là 96.000 tỷ, có tới 67% số này cho các ngân hàng thương mại vay nhưng lợi nhuận thu được chỉ có 8.100 tỷ. Trong khi đó, năm 2008 có 4 tháng lãi suất tiền gửi ngân hàng lên tới gần 21%. Như vậy, việc đầu tư này là hoàn toàn không có hiệu quả, thậm chí còn thất thoát tiền đầu tư như các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải.)

+ Về lâu dài, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng thành lập thêm một cấp quản lý BHXH (cấp xã phường). Mặc dù, thành lập thêm một cấp sẽ tăng biên chế, nhưng là cần thiết. Chỉ có như vậy mới quản lý chặt chẽ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT trong điều kiện phấn đấu BHYT toàn dân và đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Hoặc nghiên cứu khoán thu và chi cho toàn ngành BHXH, từ đó tăng quyền tự chủ của ngành BHXH ở tất cả các cấp, gắn quyền lợi với trách nhiệm của toàn ngành.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

 Theo Nguyễn Vũ

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên