MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tuổi nghỉ hưu - giảm tiền được hưởng

Bộ LĐ-TB&XH đang xin ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Trong đó, nội dung tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng, quyền lợi của người lao động sẽ bị cắt giảm.

Tăng tuổi nghỉ hưu…

Dự thảo Luật nói trên có nội dung: Từ năm 2016 trở đi, tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ; hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ; từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên.

So với quy định hiện hành, Điều 187 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55, nam giới sẽ phải làm việc thêm 2 năm và nữ sẽ phải làm thêm từ 5-7 năm.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau 7 năm triển khai thực hiện Luật BHXH, hiện đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ, BHXH vẫn còn những hạn chế bất cập. Cụ thể các đơn vị nợ, chậm đóng BHXH cho người lao động còn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các DN ngoài quốc doanh và các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực trạng này làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Một số quy định trong chế độ BHXH hiện hành không còn phù hợp với thực tế. Hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan BHXH chưa chuyên nghiệp…

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHXH hiện hành, cơ quan soạn thảo cho rằng việc sửa đổi Luật BHXH là cần thiết. Tuy nhiên nội dung tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, như Dự thảo quy định, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Không khó để nhận thấy, Dự thảo luật nói trên đưa ra trong hoàn cảnh nhiều DN làm ăn thua lỗ, chậm hoặc nợ bảo hiểm, cắt giảm nhân sự. Trong khi đó điều kiện làm việc của người lao động, mức lương vẫn chưa được cải thiện đáng kể… Trong “hoàn cảnh” như vậy, việc lại kéo dài thêm thời gian làm việc của người lao động, đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận, khi cho rằng: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, với nội dung như vậy cũng có thể xem là không bảo vệ quyền lợi người lao động.

Khả năng “bất bình đẳng” trong xã hội…

“Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, không biết người lao động ở ngành “độc hại” có… kịp chờ đến lúc “nghỉ hưu” không? Hay có nhiều người vì tuổi cao sức yếu, không “trụ” nổi, đành đồng loạt xin nghỉ việc trước tuổi, chấp nhận hưởng trợ cấp một lần, để… cứu mình?” – anh Nguyễn Văn Hiếu, công nhân một Cty khai thác than nêu quan điểm.

Thực tế cũng cho thấy, nguy cơ “vỡ quỹ bảo hiểm” – không đủ tiền chi trả chế độ bảo hiểm cho người lao động, đã được cảnh báo. Trước tình hình này, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, có ý kiến cho rằng, phải chăng đây là “giải pháp” trì hoãn chi trả, nhằm hạn chế nguy cơ “vỡ quỹ”? Nếu như vậy, thì đương nhiên người lao động khó tránh thiệt thòi?

Trong khi đó, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, trong bối cảnh tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn, đến mức có người gọi vui rằng lễ tốt nghiệp của sinh viên cũng là “lễ thất nghiệp”. Như vậy, rất có thể sẽ kéo theo hàng vạn lao động trẻ ra trường hàng năm… thất nghiệp? Trong khi những người lao động thuộc nhóm “tuổi cao” thì chưa được nghỉ?

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề này, ở góc nhìn xã hội học TS. Trịnh Hòa Bình, chuyên gia nghiên cứu dư luận xã hội, bày tỏ nghi ngại: Nếu nội dung tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động được chấp thuận, nhiều khả năng sẽ làm phức tạp hơn tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

“Việc “tăng tuổi nghỉ hưu” là một chủ trương lớn, liên quan đến quỹ BHXH. Theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, nếu những “tồn tại” không được khắc phục, thì quỹ này đến những năm 2020 có khả năng bị triệt tiêu. Vì thế “kịch bản” để bảo tồn quỹ BHXH được đưa ra là tăng thời gian phục vụ, đồng thời giảm số lượng tiền lương tuyệt đối mà người lao động được hưởng khi về hưu. Về phương diện kỹ thuật, đây là một biện pháp đưa ra để khắc phục giải quyết vấn đề. Và có lẽ cũng chỉ có cách làm như thế thôi” – TS. Trịnh Hòa Bình nói.

Tuy nhiên, theo TS. Trịnh Hòa Bình, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có nhiều bất cập cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét lại.

“Thứ nhất, tiền lương tuyệt đối khi về hưu sẽ nhân với số thời gian công tác để chia ra thành tháng lương trung bình, có những bất cập, thiếu công bằng. Cụ thể, nó sẽ đánh đồng hoặc xóa nhòa ranh giới giữa những người làm việc lâu năm với những người làm việc ngắn hạn. Thứ hai, thu nhập thực sự của người lao động vẫn đang rất khó khăn, khi đối diện với những thách thức chi tiêu từ đời sống, nay lại kéo dài thêm việc phục vụ của họ, thì cũng nên xem xét.

Thứ ba, những ngành nghề lao động trong môi trường độc hại, sẽ phá hoại sức khỏe của người lao động rất lớn, khác với khu vực hành chính sự nghiệp, hay khu vực các quan chức, những nhà quản lý, gọi nôm na là “cán bộ cao cấp”. Nếu như, tăng tuổi nghỉ hưu “như nhau” đối với các nhóm ngành nghề này, thì cũng bất cập”.

Theo chia sẻ của TS. Trịnh Hòa Bình, thực tế, cần phải làm rõ câu hỏi những ai mới có nhu cầu kéo dài tuổi nghỉ hưu? Rõ ràng phần lớn sẽ rơi vào những người có công việc nhàn hạ, mang tính chất bàn giấy hay nhà quản lý.

Một số ngành khác, như lao động kết tinh, cần phải có thời gian học tập, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, sự trải nghiệm như nghề giáo, nghề nghiên cứu khoa học, nghề viết lách… thì mới có thể về hưu vẫn làm thêm, nhưng không thể gọi đó là những trường hợp “nhàn hạ”.

Theo Sỹ Hào

cucpth

Phap luật và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên