MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn Than - Khoáng sản lại đề xuất được giảm thuế phí

TKV cho rằng đơn vị này đang phải "gánh các loại thuế phí quá cao, dẫn đến không có điều kiện đầu tư phát triển, cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cho thợ lò."

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết trong quá trình thu thập kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo tình hình và đề xuất kiến nghị thực hiện kế hoạch 2014-2015 lên Thủ tướng Chính phủ, Phòng đã nhận được đề xuất của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc gỡ khó về vốn bằng cách giảm các loại thuế phí.

Cụ thể, TKV đề nghị Nhà nước xem xét điều chỉnh các chính sách thuế, phí hợp lý đối với tài nguyên than khoáng sản để giúp Tập đoàn có thể tích lũy được vốn để đầu tư phát triển ngành than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Riêng thuế tài nguyên, từ năm 2007 thuế suất tài nguyên đối với than antraxit hầm lò là 1%, than antraxit lộ thiên là 2%; đến nay than hầm lò tăng lên 5 lần (5%), thuế than lộ thiên tăng lên 3,5 lần (7%).

Với thuế tài nguyên chiếm trong giá thành ở trên thì đối với than xuất khẩu hiện nay, cộng các loại phí khoảng 30% (gồm thuế tài nguyên 7%, phí môi trường nộp ngân sách địa phương 10.000đ/tấn và thuế VAT không được khấu trừ 10%), chưa kể chi phí thăm dò, tài liệu thăm dò nộp ngân sách.” – Tập đoàn này giải trình.

Tỷ lệ nộp các loại thuế phí trên được TKV xem là rất cao trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm giá thành than tăng cao, lợi nhuận của ngành than giảm sút mạnh; dẫn đến không có điều kiện đầu tư phát triển, cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cho thợ lò.

TKV cũng đề nghị Nhà nước xem xét lại tiền cấp quyền khai thác than.

Cụ thể, nếu phải nộp từ năm 2014, với 74 giấy phép khai thác đã được cấp phép thì tổng số tiền phải nộp khoảng 14.400 tỷ đồng (tương ứng với 1 tấn than địa chất, khoảng 665 triệu tấn tính thuế).

Ngoài ra, TKV cho hay, bình quân năm 2014 chi phí sản xuất than sẽ tăng khoảng trên 3.340 tỷ đồng do phải nộp một lần toàn bộ số tiền đối với các giấy phép có thời hạn khai thác dưới 5 năm và khoản hồi tối từ tháng 7/2011); các năm sau đó phải nộp bình quân 1.500 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, TKV cũng cho rằng mình đang phải đóng thêm một số khoản chi phí không đúng quy định. Ví dụ trong khi theo văn bản Quy hoạch 60 ghi rõ “Nhà nước bố trí vốn ngân sách cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên than”, thì hiện nay Tập đoàn vẫn phải nộp thêm khoản phí sử dụng tài liệu địa chất mà đơn vị này phải nộp(năm 2014 khoảng 700 tỷ đồng).

TKV cho biết sở dĩ có những đề xuất này là vì Tập đoàn đang tích cực triển khai xây dựng các dự án mỏ nhằm đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế trong thời gian tới.Tuy nhiên, do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm cho giá thành tiếp tục tăng. 

Nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn rất lớn, nhất là khi sản lượng hầm lò xuống sâu, suất đầu tư cao; việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác còn chậm và bất cập, tuyển dụng lao động thợ lò ngày càng khó khăn… gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị này.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên